Người cao tuổi tập luyện, nâng cao sức khỏe trong CLB dưỡng sinh |
Rèn luyện sức khỏe
Mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Nguyệt (Phú Lộc) đều đặn dành hơn một tiếng đồng hồ để tham gia tập khiêu vũ dưỡng sinh và đánh cầu lông. Bởi thế, dù xấp xỉ 70 tuổi, bà vẫn còn nhanh nhẹn và linh hoạt trong sinh hoạt hằng ngày. “Thói quen tập luyện của tôi đã được duy trì nhiều năm nay. Không chỉ khỏe mạnh hơn mà quá trình tập luyện với các thành viên đã giúp tôi trau dồi kinh nghiệm, hiểu biết về sức khỏe cũng như có thêm động lực để tiếp tục đi tập mỗi ngày”, bà Nguyệt nói.
Dày dặn kinh nghiệm với hơn 20 năm tham gia tập dưỡng sinh, cũng như bà Nguyệt, sức khỏe bà Nguyễn Thị Thanh Minh (TP. Huế) được duy trì ổn định, tinh thần phấn chấn. Bà Minh cho biết: “Không chỉ tập luyện, tôi và các cụ ông, cụ bà trong CLB dưỡng sinh còn trao đổi nhiều thông tin với nhau qua các nhóm chát để tự chăm sóc bản thân tốt hơn. Từ đó, sống vui, sống khỏe hơn và ít phụ thuộc vào con cháu”.
Đối với bà Nguyệt hay bà Minh, sức khỏe qua quá trình rèn luyện và chăm sóc cộng với thể trạng tốt đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống lúc về già. Nhưng với phần đông NCT, việc nâng cao khả năng tự chăm sóc bản thân vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng sức khỏe giảm sút nhanh chóng. Nhiều NCT và cả gia đình của NCT cũng chưa được trang bị các kỹ năng, kiến thức để đối diện với thực trạng già hóa dân số.
Ông Hồ Viết Lễ, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh, cho biết: Tính đến tháng 2/2023, tỷ lệ NCT trên địa bàn tỉnh xấp xỉ đạt ngưỡng 15% và có xu hướng ngày càng tăng. Bởi thế, một trong những hoạt động cấp thiết nhất hiện nay đó là phổ biến, nâng cao kỹ năng tự chăm sóc để NCT chủ động thích ứng với già hóa dân số một cách hiệu quả.
Cập nhật kiến thức
Theo ông Hồ Viết Lễ, năm qua, số NCT được truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe là hơn 14 nghìn người. Số NCT được khám sức khỏe định kỳ là gần 13 nghìn người. Đại diện Hội NCT tỉnh phân tích: Không chỉ duy trì và phát huy các hoạt động khám sức khỏe định kỳ hay tư vấn về chăm sóc sức khỏe, việc xây dựng hệ thống chăm sóc y tế chuyên sâu, hỗ trợ NCT cũng là hoạt động vô cùng cần thiết trong thời gian tới. Nhưng trước hết, NCT vẫn rất cần chủ động trong phòng ngừa bệnh tật tuổi già và đảm bảo sức khỏe bằng cách tập luyện và cân bằng chế độ dinh dưỡng. Đây là hai nhân tố vô cùng quan trọng giúp cuộc sống của NCT chủ động hơn.
Là độ tuổi vị giác thay đổi, dễ ảnh hưởng đến lượng dinh dưỡng đưa vào cơ thể, NCT còn chịu tác động do mật độ xương bị giảm dần, mất răng, mất nước và táo bón. Bởi thế, ngoài kiên trì với các bộ môn thể thao dưỡng sinh, cập nhật kiến thức về dinh dưỡng cũng là điều vô cùng quan trọng đối với NCT. Theo bác sĩ Trần Văn Quốc Cường (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Huế), khẩu phần ăn dành cho NCT cần đáp ứng đủ nhu cầu và cân đối các dưỡng chất, bao gồm: chất đạm, béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất và chất xơ.
“Cụ thể, nhóm thực phẩm NCT nên ưu tiên bao gồm cá hồi, các loại đậu, rau cải màu xanh lá đậm, sữa, sữa chua, phô mai. Đồng thời, cần hạn chế các thực phẩm chứa calo rỗng như khoai tây chiên, kẹo, bánh nướng; tránh các thức ăn nhanh vì chứa chất béo và cholesterol. Ăn nhạt hơn để nâng cao sức khỏe”, bác sĩ Trần Văn Quốc Cường cho biết. Ngoài ra, NCT cần có kế hoạch về thực đơn, theo dõi, đánh giá bữa ăn, thường xuyên theo dõi cân nặng vì đây là độ tuổi dễ mắc bệnh nếu cân nặng không được kiểm soát tốt.
Không chỉ dinh dưỡng hay rèn luyện thể dục, thể thao, để công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT thực sự hiệu quả, cùng với sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, đầu tư nguồn lực của các cấp, ngành, của cả gia đình và xã hội. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của NCT mới ngày càng được nâng cao hơn, góp phần từng bước cải thiện chất lượng dân số.