Người dân mua sắm hàng hoá trong một siêu thị tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trong đó, ông Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley nói với Tạp chí CNBC rằng, một lập luận lớn mà ngân hàng này đang đưa ra đối với dự báo nói trên là thực tế rằng, khu vực châu Á có sức mạnh nhu cầu nội địa.
Theo ông Chetan Ahya, nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi khá tốt; cùng với đó là 3 nền kinh tế lớn khác của châu Á bao gồm Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản, cũng đang cho thấy nhu cầu nội địa mạnh mẽ. “Chúng tôi đang kỳ vọng mức tăng trưởng của khu vực này sẽ vượt trội hơn khoảng 500 điểm cơ bản vào cuối năm nay, tức là vào quý IV/2023", nhà kinh tế trưởng nói thêm.
Được biết, dự báo lạc quan của ông Chetan Ahya đối với khu vực châu Á phù hợp với quan điểm mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là một khu vực năng động, bất chấp một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế thế giới. Hồi tuần trước, cơ quan này chỉ ra, nhu cầu nội địa của khu vực châu Á cho đến nay vẫn duy trì sự mạnh mẽ, bất chấp những quyết định thắt chặt tiền tệ.
“Chúng tôi dự báo khu vực này sẽ đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, khi tốc độ mở rộng của khu vực tăng lên 4,6% từ mức 3,8% hồi năm ngoái”, IMF nhận định trong một bài viết liên quan.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng kỳ vọng, các nền kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng hơn so với các ước tính trước đây, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế ở Trung Quốc; đồng thời lưu ý, khu vực này không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng ngân hàng toàn cầu.