leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Ngày nay, chúng ta cần phải làm nhiều hơn là việc nhận ra những thách thức về khí hậu mà chúng ta đang đối mặt… Đối với tôi, có vẻ như chúng ta cần phải tự tái cam kết hành động khi vẫn còn thời gian”. Đây là sự kiện quy tụ một số trong những quốc gia phát thải hàng đầu thế giới, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Saudi Arabia.

Theo đó, Tổng thống Joe Biden đã cam kết 1 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh của Liên Hiệp Quốc, và công bố kế hoạch yêu cầu 500 triệu USD trong vòng 5 năm, nhằm củng cố cam kết chấm dứt nạn phá rừng ở Amazon.

Đáng chú ý, hội nghị cấp cao nói trên được tổ chức ngay trước thềm Ngày Trái đất (22/4), và khoảng 7 tháng trước khi diễn ra một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quan trọng của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm đánh giá tiến bộ của thế giới trong việc cắt giảm ô nhiễm khí nhà kính.

Trong một động thái liên quan, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 20/4 vừa qua đã công bố một báo cáo mới, trong đó nhấn mạnh tính cấp bách của hành động, bằng cách phác thảo các bước đi cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Được biết, Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF) bao gồm các quốc gia và tổ chức là: Argentina, Australia, Canada, Chile, Trung Quốc, Ai Cập, Ủy ban châu Âu (EC), Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nigeria, Na Uy, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Vương quốc Anh, và Việt Nam.

THANH NGÂN (Lược dịch từ Bloomberg & Reuters)