leftcenterrightdel
 Quang cảnh tòa nhà trụ sở Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia ngày 1/1/2022. Nguồn: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 25/4, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết các cuộc họp của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 sẽ được tổ chức theo các hình thức toàn thể và cuộc họp hẹp.

Với thể thức đa dạng, các vấn đề quan trọng trong ASEAN sẽ được thảo luận kỹ lưỡng, hiệu quả và thiết thực.

Theo bà Marsudi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ chủ trì 7 trong tổng số 8 cuộc họp, bao gồm cuộc gặp của các nhà lãnh đạo ASEAN với quốc hội, thanh niên, doanh nghiệp và nhóm đặc trách cấp cao sẽ chuẩn bị tầm nhìn ASEAN 2045. 

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia sẽ chủ trì 2 cuộc họp khác gồm Hội nghị Hợp tác kinh tế tiểu vùng Tam giác tăng trưởng Indonesia-Malaysia-Thái Lan (IMT-GT) và Hợp tác khu vực tăng trưởng Đông ASEAN Brunei Darussalam-Indonesia-Malaysia-Philippines (BIMP-EAGA).

Chủ trì cuộc họp BIMP-EAGA được lựa chọn dựa trên cơ sở luân phiên và năm nay, đến lượt Malaysia đảm nhận.

Hội nghị cấp cao ASEAN 2023 tại Labuan Bajo sẽ bắt đầu từ ngày 8/5 với hàng loạt các hội nghị quan trọng, trong đó mở màn là cuộc họp của các quan chức cấp cao ASEAN (SOM), tiếp theo là cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN (AMM) ngày 9/5. Trọng tâm của hội nghị là cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra từ ngày 10-11/5.

Cũng theo bà Marsudi, một trong những địa điểm được chọn tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 2023 là Đỉnh Waringin, dự kiến sẽ là nơi tổ chức Chương trình gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao và phu nhân.

Trước đó, Indonesia đã đề xuất đưa ra Tuyên bố các nhà lãnh đạo ASEAN về đối phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực nhằm tăng cường hợp tác chiến lược trong việc xây dựng cơ chế tăng cường an ninh lương thực, chuỗi cung ứng khu vực và nông nghiệp bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị ASEAN về Tăng cường hội nhập an ninh lương thực diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 17/4, Tổng Thư ký Bộ Nông nghiệp Indonesia Kasdi Subagyono cho biết những thách thức toàn cầu hiện nay thúc đẩy ASEAN hành động khẩn trương, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đẩy nhanh và củng cố hệ thống lương thực sao cho hiệu quả, toàn diện, tự cường và bền vững hơn.

Indonesia cho rằng để nhanh chóng ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng lương thực trong khu vực, các nước ASEAN cần có cam kết mạnh mẽ hơn.

Theo ông Kasdi, tuyên bố này có thể sẽ góp phần thống nhất vai trò của các ngành liên quan bao gồm lương thực thực phẩm, kinh tế, giao thông vận tải và tài chính.

Điều đó sẽ tạo ra sự hợp tác chắc chắn và sức mạnh tổng hợp nhằm ứng phó với các thách thức chung. Dự kiến, bản tuyên bố sẽ đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 vào tháng 9 tới.

Theo TTXVN/Vietnam+