Chiều 25/4, tôi tranh thủ thời gian chạy sang di tích Quốc Tử Giám ở đường 23/8 trong Thành nội để tham quan các gian trưng bày sách nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại đây.
Sự kiện được khai mạc chiều 21/4, và chiều 25/4 là bế mạc. Lúc tôi sang, một số quầy đã bắt đầu được thu dọn. Cứ ngỡ sẽ đìu hiu như vẫn nghĩ về cảnh những phiên “chợ chiều”, nhưng hóa ra không phải vậy. Người đến tham quan, đọc, mua sách vẫn đông, và càng về cuối ngày lại càng đông. Cảnh ấy khiến nhiều quầy chưa bắt đầu hoặc đang dọn đều tạm dừng việc dọn dẹp để tiếp tục phục vụ nhu cầu tham quan, đọc và mua sách của công chúng. Hình như, công chúng và những người yêu sách xứ Huế cảm thấy lưu luyến, không muốn chia tay với một sự kiện ý nghĩa và dễ thương như thế này ở quê hương mình.
Chiếm phần đông những người tìm đến các quầy sách là các bạn trẻ. |
Điều làm tôi cực kỳ ấn tượng là phần đông trong số những người đến đây để tham quan, đọc và mua sách là những bạn trẻ, rất trẻ. Để ý thấy, họ không chỉ tìm đến với sách học ngoại ngữ, những tiểu thuyết tuổi hoa, sách hướng nghiệp, khởi nghiệp, hay những bộ truyện gây nên cơn sốt một thời như Hary Potter, Doraemon …mà cả những tác phẩm kinh điển, lịch sử, nghiên cứu khoa học, y khoa cũng được các bạn ấy quan tâm. Tôi bắt gặp hình ảnh một bạn trẻ cứ nhấc lên, đặt xuống mấy bộ tiểu thuyết kinh điển đã được đóng hộp và bọc kín plastic: Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng, Nghìn lẻ một đêm… Dáng chừng rất muốn được sở hữu nhưng chắc là trong túi không đủ tiền nên cứ tần ngần mãi. Có chút gì rất đồng cảm, bởi đó cũng là hình ảnh của thằng tôi cách đây nhiều năm về trước. Để rồi sau này, khi đã đi làm và trong túi rủng rẻng lương tiền mỗi tháng, tôi đã lần lượt tậu cho mình một vài bộ mà thời trẻ mình từng ước ao được trưng bày trong tủ sách gia đình…
Phố đã lên đèn, các bạn trẻ vẫn tiếp tục đổ về và không muốn rời đi |
Phố đã lên đèn và rất nhiều các bạn trẻ vẫn chưa chịu rời đi. Bỗng nghe lòng ngân rung một niềm vui khôn tả. Bởi nỗi lo về việc quay lưng với sách, với văn hóa đọc, nhất là với lớp trẻ, thật ra không quá nghiêm trọng như nhiều người vẫn nghĩ. Với những gì được mục kích chiều hôm ấy, ít ra với riêng tôi, tôi vẫn tin là như vậy. Cũng trong cái không gian quá đỗi mộng mơ và ngập tràn chữ nghĩa của Quốc Tử Giám chiều bế mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần II, trong tôi chợt lóe lên ý nghĩ: Không chừng một không gian hoặc một đường sách cho Huế tại một vị trí nào đó trong khu vực Thành nội có khi lại khả thi và có tuổi thọ lâu dài, hơn là không gian đường Hai Bà Trưng hơi luễnh loãng và chao chát nắng từng được chọn cho đường sách một lần trước đây. Một không gian/đường sách trong Thành nội rợp bóng cây xanh và đượm màu thành quách rêu phong cổ kính, ở đó có thể không chỉ trưng bày và bán, mà còn có cả hoạt động đọc, biếu tặng, trao đổi sách quý, sách cũ…Cũng không nhất thiết hoạt động thường xuyên, chỉ tổ chức vào mỗi dịp cuối tuần, hoặc mỗi tháng 1 lần thôi, cũng có thể là một không gian rất tuyệt vời, một điểm đến đầy hấp lực trên miền đất di sản.