leftcenterrightdel
 Hàng thủ công mỹ nghệ Huế triển lãm ở các hội nghị, hội chợ trong và ngoài địa phương

Trước thềm sự kiện này, tôi rảo các phố chọn mua các món hàng thủ công mỹ nghệ theo yêu cầu của bạn phương xa. Món hàng mà tôi mua được là con vật, tượng Phật, ngôi chùa ở Huế làm bằng đồng và những món mây tre đan được xem là đặc trưng của địa phương với phương thức sản xuất chủ yếu thủ công.

Để làm hài lòng một khách hàng như tôi, trước hết là giá cả mà chị chủ hàng đã đưa ra cách so sánh và những thông tin thị trường có thể tin được. Tuy vậy vẫn có thể nhận thấy sự luống cuống của người bán bởi thông tin thị trường, nhất là giá cả với những loại hàng hóa đặc trưng này vẫn chưa nhiều và khó so sánh.

Nhưng có lẽ điều khiến tôi thay đổi suy nghĩ về việc mua bán hàng hóa ở các điểm đến du lịch là sự chân thành của người bán và khả năng "tiêu dùng thông thái" của mình.

Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm đặc trưng truyền thống phát triển trong thị trường dịch vụ du lịch. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm này đã có thêm những kết quả đáng kể khi các cơ sở sản xuất không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá cả cạnh tranh. Đây là kết quả từ nỗ lực của các địa phương trong việc định hình thương hiệu sản phẩm hàng hóa lưu niệm, hỗ trợ điều kiện sản xuất, quảng bá sản phẩm làng nghề... đã góp phần để nhiều sản phẩm có sức tiêu thụ cao, tạo việc làm đáng kể cho người dân.

Tuy vậy, nhìn chung thì dễ thấy thị trường hàng hóa tại các điểm du lịch ở địa phương chưa thoát khỏi cảnh trầm lắng do nhiều yếu tố; trong đó, có một phần đáng kể do đại dịch COVID-19. Hoạt động của nhiều làng nghề nổi tiếng lâm vào cảnh lao đao, bởi giảm sút nguồn tiêu thụ sản phẩm từ cơ sở dịch vụ ở các điểm đến du lịch.

Hơn nữa, thời gian qua, thỉnh thoảng lại rộ lên tình trạng không mấy vui khi ở đâu đó du khách đến Huế sử dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch nhưng chưa hài lòng, đã làm tan biến nhanh chóng những ấn tượng đẹp về điểm đến mà địa phương dày công tạo dựng. Người bạn làm hướng dẫn khách du lịch kể rằng, có những cú "nói thách" khi du khách mua sản phẩm đặc trưng địa phương đã được truyền tải nhanh, làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch địa phương.

Trên địa bàn tỉnh thời điểm này, khảo sát qua các làng nghề, các phố bán hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm vẫn chưa mấy "sướng mắt". Nhiều chủ cơ sở cho biết, hàng hóa lưu niệm chủ yếu là những món đơn giản, có giá thấp, lâu nay tiêu thụ mạnh nhờ khách nội địa, nhưng tình hình bán mua không mấy thuận lợi do việc chi tiêu được khách cân nhắc kỹ hơn.

Rào cản lớn nhất về việc tiêu thụ hàng hóa, nhất là sản phẩm lưu niệm ở những điểm đến du lịch, trước hết có lẽ xuất phát từ tâm lý "qua đường" từ người bán lẫn người mua. Lâu nay, tâm lý không ít người bán là bán một lần rồi thôi, vì khách du lịch ít có cơ hội trở lại. Còn người mua cũng mang nặng tâm lý hoài nghi về chất lượng, giá cả hàng hóa ở những điểm đến du lịch, bởi họ không có nhiều cơ hội để "định lượng" và chưa sẵn sàng cho việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Chưa bàn về thái độ phục vụ, tình trạng chèo kéo, tranh giành diễn ra ở các điểm bán hàng cũng gây ấn tượng chưa tốt cho người tiêu dùng.

Để khai thông thị trường ở những điểm bán hàng này, đầu tiên nên khai mở tâm lý cho cả người bán và người mua. Khi đôi bên có được sự tin cậy mới tính đến việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: SONG MINH