Phụ nữ Nam Đông học nghề may, tăng thu nhập |
Kiếm nghề, đổi vận
Từ sáng sớm, tại thôn Dỗi, xã Thượng Lộ (Nam Đông), nhiều phụ nữ là người dân tộc Tà Ôi, Bru - Vân Kiều, Cơ Tu đã đến với lớp dạy nghề may. Hỏi chuyện chị Trần Thị Nhạn vì sao học nghề khi đã bước sang tuổi 40, chị cười bảo, lâu nay nghề nghiệp chính của tôi là làm nương rẫy, trồng rừng theo mùa vụ. Tôi muốn học nghề may để sau này có thể may các trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
5 năm trước, chị Trần Nguyễn Thị Duyên ở thôn Tà Lù, xã Thượng Nhật quần quật với nương rẫy nhưng cứ mãi đói nghèo. Khi được vận động đi học lớp chăn nuôi thú y, chị đã không lưỡng lự mà đặt ra cho mình mục tiêu học tập để chăn nuôi đạt năng suất cao. Chị Duyên kể, trước đây, tôi mất khoảng một năm mới xuất chuồng đàn lợn thì giờ đây chỉ cần 3 - 4 tháng đã có các thương lái đã đến hỏi mua. Mỗi lứa, tôi thu về hàng chục triệu đồng. Tôi đang mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng thêm chuồng trại để phát triển đàn lợn.
Học nghề để có công việc ổn định giờ đã trở thành trào lưu của phụ nữ vùng cao. Người nọ chuyền tai người kia, phải có nghề, phải làm việc ở các xí nghiệp mới ổn định hay chí ít muốn chăn nuôi hiệu quả phải cắp sách... đi học. Hơn nữa, các ngành nghề đào tạo được điều chỉnh để thích nghi với nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn. Theo đó, các ngành nghề được chọn là chăn nuôi, chăm sóc cao su và may mặc.
Vẫn còn nhiều khó khăn trong đào tạo nghề khi hầu hết phụ nữ dân tộc thiểu số, cần phải “cầm tay chỉ việc”. Địa bàn cư trú giữa các hộ đồng bào cách xa nhau, vì vậy việc thành lập tổ, nhóm phụ nữ ngành nghề cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, hiệu quả thấy rõ từ các lớp học đào tạo nghề là góp phần giảm tình trạng người dân ly hương và giúp họ ổn định sinh kế trên chính mảnh đất quê hương.
Không lo việc làm
Không lo đầu ra sau khi học viên có tay nghề, thậm chí, thị trường lao động phong phú, các chị tha hồ lựa chọn công việc để có thu nhập ổn định - ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông cho biết.
Cũng như chị Nhạn, nhiều chị em đang học nghề đều được định hướng vào làm việc tại Chi nhánh Công ty TNHH Kim Sora (Khu công nghiệp Hương Hòa) và Công ty THHH Viên nén Renen (xã Hương Phú). Các đơn vị này ưu tiên tuyển khoảng 45% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. “Qua các lớp đào tạo, nhiều chị em được tuyển dụng vào vị trí làm việc phù hợp, với thu nhập ổn định. Các công ty sẽ đánh giá, công nhận tay nghề và nhận học viên vào làm việc ngay nếu đáp ứng yêu cầu công việc”, ông Phúc khẳng định.
Thuận lợi hơn khi huyện Nam Đông đang có các đề án về du lịch cộng đồng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp phục vụ sản phẩm nông nghiệp, du lịch tại địa phương. Huyện phối hợp với Trường cao đẳng Du lịch Huế mở lớp học nghề cho lao động, phục vụ điểm du lịch cộng đồng, sinh thái trên địa bàn, như chế biến món ăn, pha chế, thuyết minh viên, dệt zèng, điêu khắc. Bà con không chỉ là cầu nối quảng bá bản sắc văn hóa của địa phương mà còn có thể cải thiện, làm chủ được kinh tế.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông cũng liên kết với các đơn vị đào tạo mở một số lớp dạy nghề liên quan du lịch và văn hóa của đồng bào; liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn Quế Lâm nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nghề chăn nuôi tập trung hữu cơ, trồng cam, dứa, chuối.
Vấn đề đặt ra là, các cấp chính quyền, đoàn thể cần chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về ích lợi của việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số; tăng mức hỗ trợ vốn vay làm nghề cho chị em. Đồng thời, có phương án giải quyết đầu ra cho sản phẩm tốt để đảm bảo phát triển nghề bền vững, tạo thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số.