leftcenterrightdel
 Du khách thỉnh chuông tại Đức Phật Bà. Ảnh: BẢO PHƯỚC

Tượng đài Quan Âm cao 14m, nằm trên đỉnh núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng, thành phố Huế, được xây dựng vào năm 1969 và trùng tu vào năm 1999. Chọn một ngày chủ nhật đẹp trời, tôi cùng mẹ ghé thăm tượng đài Quan Âm. Những con đường rợp bóng thông xanh, trải rộng thênh thang khiến lòng người sảng khoái. Đường lên tượng Phật Bà đi ngang qua Ứng Lăng (lăng Khải Định). Thế nên, bạn có thể đi sớm một chút để có thời gian ghé qua di tích lịch sử uy nghi và cổ kính này.

Sắp đến thánh tích, bạn sẽ thấy từ xa xa pho tượng Quan Âm màu trắng thấp thoáng, ẩn hiện sau những ngọn cây và không gian linh thiêng như dần dần được hé mở. Cổng chính thánh tích là bảng hiệu với dòng chữ “Trung tâm du lịch tâm linh Phật giáo Quan Thế Âm” và câu đối chạy dọc hai bên “Quán thông tam giới câu thề nguyện tựa sâu biển Nam/ Độ tận chúng sanh lòng bi mẫu cao tây non Thái”. Hôm đó, chỉ là cuối tuần chứ chưa phải rằm, tết hay vía Quan Âm nhưng khách ghé thăm đã đông lắm rồi.

Trấn giữ thánh tích là hai con sư tử đá trang nghiêm. Hai bên đường những chiếc đèn đá màu trắng thẳng tắp và các bạn phải đi qua 145 bậc thang để “gặp” được Đức Phật Bà. Tôi và mẹ cùng bước đi, cứ vài bậc chúng tôi lại cắm một nén nhang và đọc những bài thơ thiền, lời nguyện được khắc trên phiến đá. Đường khá dốc và cheo leo, nhưng mẹ con tôi vẫn cố gắng đi bộ để tỏ lòng thành kính.

Đi thêm một quãng nữa, chúng tôi trông thấy bức tượng “Thiện tài đồng tử”, một đại đệ tử của Đức Quan Âm. Tương truyền, đây là pho tượng cầu tự rất thiêng, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã sinh được con sau khi đến đây thành tâm khấn nguyện. Bước thêm dăm chục bậc đá, ngước mắt nhìn lên là lầu chuông với chiếc chuông đồng được chạm trổ tinh xảo, trên mặt khắc dòng chữ: “Nghe chuông phiền não tan mây khói/ Ý lặng thân an miệng mỉm cười…”.

Xung quanh tượng Phật Bà có nhiều tiểu cảnh đẹp: Chim hạc biểu trưng cho sự thanh khiết, thoát tục; bánh xe bát chánh đạo và tượng chú nai thể hiện cho bài giảng đầu tiên của Phật tại Vườn Lộc Giả cho năm anh em Kiều Trần Như. Ở đây người ta còn bày bán nhiều món đồ lưu niệm tâm linh và phục vụ nhiều món ăn chay bình dân. Không gian rộng rãi với những bông hoa dâm bụt, hoa giấy, hoa sứ khoe sắc rạng rỡ, những chiếc ghế đá bao quanh cho khách bộ hành nghỉ ngơi và thưởng ngoạn. Giữa sân, chiếc đỉnh hương đang nghi ngút khói.

Tôi và mẹ khấn vái trước Phật đài, đặt chai nước có kẹp ba cây hương lên chiếc bàn bên cạnh. Chúng tôi ngồi trên ghế đá, tận hưởng không khí trong lành và phong cảnh thanh bình, yên ả nơi đây. Tượng Phật Quan Âm màu trắng hài hòa giữa nền trời trong xanh...

Thục Đan