leftcenterrightdel
 Đến năm 2025, tất cả các thuyền rồng sẽ hết niên hạn sử dụng

Thuyền rồng sẽ không còn?

Chi cục Đăng kiểm số 13 cho biết, theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ, những chiếc thuyền rồng trên sông Hương có thời gian hoạt động là 30 năm. Thống kê, trên sông Hương có khoảng 120 chiếc, cả thuyền đôi và thuyền đơn. Trong năm 2022 đã có có 9 thuyền rồng dừng hoạt động. Năm 2023 này, có thêm hơn 10 chiếc; đến năm 2025, tất cả sẽ đến niên hạn và phải chấm dứt hoạt động trên sông.

Phát triển du lịch thời gian qua cho thấy, khá bất hợp lý là số lượng thuyền rồng ngày mỗi giảm đi. Vào giai đoạn cao điểm du lịch, tình trạng thiếu dịch vụ ca Huế trên sông thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, những loại thuyền được đóng mới và sử dụng trên sông Hương chưa nhiều. Giá dịch vụ cao hơn nhiều so với ca Huế trên thuyền rồng, nên số lượng khách du lịch sử dụng không nhiều.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, xét về phương diện phát triển du lịch, thuyền rồng trên sông Hương đã tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng du khách; trở thành thương hiệu đặc trưng của du lịch Cố đô. Du khách luôn ấn tượng và đánh giá tích cực những mẫu mã của thuyền rồng. Tuy nhiên, theo quy định khi hết niên hạn sử dụng 30 năm thì phải dừng hoạt động.

leftcenterrightdel
 Du khách đến Huế và sử dụng dịch vụ thuyền rồng tham quan thành phố

Ông Trần Văn Truyền, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH TM và DV du lịch Bạn Đồng Hành (A Travel Mate) cho rằng, du lịch bằng thuyền rồng trên sông Hương là trải nghiệm vô cùng thú vị được du khách lựa chọn khi đến Huế, nhất là khách quốc tế. Không chỉ có thể ngắm toàn cảnh dòng sông Hương hai bên để nhìn trọn thành phố yên bình, xinh đẹp, mà khách ấn tượng với hình dáng của thuyền rồng. Thuyền rồng mất đi là điều đáng tiếc với du lịch.

Nhiều chủ thuyền sắp hết niên hạn cho biết, hiện tại họ gần như rơi vào bế tắc để có thể duy trì dịch vụ du lịch liên quan đến thuyền trên sông. Các hướng dẫn về mẫu thuyền mới, phương án kỹ thuật, các chính sách vay vốn, địa điểm đóng thuyền đúng tiêu chuẩn trong tỉnh… chưa có.

Ông Ngô Văn Tý, một chủ thuyền rồng cho rằng, người dân không biết có được đóng mới mẫu thuyền như thuyền rồng hay không? Mà có được đóng cũng không biết nơi nào có thể làm được. Khi đóng rồi các loại máy móc, vật liệu có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khi đăng kiểm. Những mẫu thuyền mới được đóng sau này có giá thành rất cao, trong khi, nhiều hộ dân lại không đủ kinh phí. Tất cả các chủ thuyền hoàn toàn bị động về quy trình. Nghề khai thác dịch vụ du lịch trở thành ngành nghề kinh doanh chính của gia đình nên giờ muốn duy trì cũng không biết phải làm thế nào?

Phương án về mẫu mã mới

Năm 2014, UBND tỉnh có ban hành Quyết định 817/QĐ-UBND về việc phê duyệt mẫu thuyền phục vụ ca Huế và du thuyền trên sông Hương do Công ty TNHH Ngôi nhà Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh thiết kế với một kiểu dáng duy nhất là thuyền đầu rồng. Tuy nhiên, mẫu thuyền mới chỉ là kiểu dáng, không phải là bản vẽ thiết kế kỹ thuật để đóng mới.

Ông Nguyễn Trung Tuyến, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13 cho biết, bên cạnh mẫu mã, vấn đề bản vẽ thiết kế kỹ thuật của một phương tiện thủy nội địa hoạt động chở khách rất quan trọng. Phía chi cục chỉ thẩm định và hướng dẫn về kỹ thuật, còn mẫu mã thì thuộc về UBND tỉnh và các ngành liên quan. Điều đó có nghĩa là, mẫu thuyền mới khi được công khai để người dân lựa chọn đóng mới cần có hai yếu tố mẫu mã và các thông số kỹ thuật.

Chi cục Đăng kiểm số 13 đề xuất, để giải quyết vấn đề các thuyền rồng du lịch sẽ hết niên hạn buộc phải đóng mới, thì bản vẽ thiết kế có thể do chủ tàu thuê, hoặc UBND tỉnh thuê những đơn vị chuyên nghiệp thiết kế định hình một số mẫu thuyền trên sông Hương. Sau đó, lấy ý kiến rộng rãi từ các nhà nghiên cứu văn hóa và cơ quan chuyên môn về kiểm định kỹ thuật. Từ đó, người dân có thể sử dụng bản vẽ thiết kế kỹ thuật này để xin cấp phê duyệt đóng mới.

Mới đây, UBND tỉnh thống nhất sẽ thiết kế một mẫu thuyền mới. Giao Sở Du lịch phối hợp với Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, thực hiện các quy trình để sớm có một mẫu thuyền mới, đáp ứng các tiêu chí cả về mẫu mã và kỹ thuật; phù hợp với việc khai thác dịch vụ ca Huế và dịch vụ du lịch trên sông Hương. Hiện tại, hai cơ quan này đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Nhà thơ Võ Quê cho rằng, không nên quá nặng nề về việc giữ lại mẫu thuyền rồng hay không? Đôi khi phải biết chấp nhận hình thái mới, dù đặc trưng sẽ không còn duy trì sau khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Quan trọng với thuyền dịch vụ du lịch trên sông là có mẫu mới đáp ứng được tiêu chí kiểu dáng phù hợp với dòng sông, gắn với những đặc trưng của Huế; kích cỡ phù hợp với tỷ lệ của sông; tốc độ phù hợp với dòng chảy; đảm bảo môi trường và tiếng ồn…

Trong lúc chờ một phương án mới, phía Sở Giao thông Vận tải cho biết, bên cạnh mẫu thuyền theo Quyết định 817/QĐ-UBND, người dân vẫn có thể đóng mới mẫu thuyền rồng hiện tại. Tuy nhiên, dù mẫu thuyền nào cũng phải được sự đồng ý của UBND tỉnh.

Trong khi thuyền rồng ngày càng ít về số lượng, những phương tiện mới lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ghi nhận chỉ mới đầu mùa du lịch nội địa năm nay, dịch vụ ca Huế trên sông đã có dấu hiệu quá tải. Việc có một phương án mới về dịch vụ thuyền trên sông là cần thiết, nếu không sẽ gây ra tình trạng kinh doanh gián đoạn, du lịch sẽ bị ảnh hưởng.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG