Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chỉ đạo tại cuộc họp |
Hiện nay, trên địa bàn đã thu hoạch khoảng 12.170ha (đạt tỷ lệ 43%). Diện tích dự kiến thu hoạch đến ngày 12/5 khoảng 22.050 ha (đạt tỷ lệ 78,8%). Diện tích dự kiến còn lại thu hoạch sau 12/5/2023 khoảng 5.949 ha. Năng suất ước tính khoảng 65,2 tạ/ha.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, số lượng máy thu hoạch hiện có trên toàn tỉnh: 1.107 cái (máy tuốt, thổi 338 cái; máy gặt rải hàng 247 cái; máy gặt đập liên hợp 522 cái). Với số máy như trên sẽ đảm bảo thu hoạch lúa tại các địa phương nếu điều tiết khoa học.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhận định, theo dự báo, từ khoảng ngày 12/5, thời tiết trên địa bàn sẽ diễn biến bất lợi cho việc thu hoạch, vì vậy các địa phương cần huy động tối đa công suất làm việc của các loại máy gặt, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023. Tổ chức tuyên truyền, vận động bà con nông dân tập trung máy móc, nhân lực khẩn trương thu hoạch lúa để tránh thiệt hại đến năng suất, sản lượng lúa. Đặc biệt, đối với diện tích lúa có tỷ lệ hạt chín trên bông >85% tiến hành thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại.
Trong trường hợp khi thu hoạch gặp thời tiết bất lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị các địa phương chủ đông liên hệ với các công ty có hệ thống máy sấy công suất lớn trên địa bàn như: Công ty CP Vật tư Nông nghiệp; CP Giống Cây trồng - Vật nuôi; Quế Lâm… để sấy lúa bị ướt.
Ngay sau khi thu hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huy động tối đa công suất của các loại máy làm đất để cày lật đất và thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ. Đặc biệt, chú trọng giải pháp vệ sinh đồng ruộng kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để phân giải gốc rạ. Đối với diện tích bị nhiễm chua phèn hàng năm cần bón vôi trước khi làm đất để thau chua, rửa phèn nhằm hạn chế thiệt hại đầu vụ do lúa chết phải gieo sạ lại. Tổ chức nạo vét, tu bổ kênh mương, khơi thông dòng chảy để tích trữ nước phục vụ sản xuất hè thu 2023 ngay từ đầu vụ. Chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi do mưa lớn ở các vùng thấp trũng.