leftcenterrightdel
Sổ sán sơ mít dài hơn 3m sau khi uống thuốc điều trị

Trước đó, cháu H. H.M. (10 tuổi, trú ở TP. Huế) nhập viện với triệu chứng đau bụng từng cơn, có đốt sán bò ra hậu môn gây ngứa. Qua thăm khám và làm xét nghiệm cần thiết, khoa Nội – Nhi BV YHCT chẩn đoán H.M bị nhiễm sán xơ mít.

Các bác sĩ đã cho H.M. uống 1 liều thuốc y học cổ truyền theo phác đồ của bệnh viện và sổ ra con sán xơ mít dài hơn 3m.

Sau khi theo dõi sức khỏe ổn định, bệnh nhân đã được xuất viện về nhà.

Người nhà của bệnh nhi H.M. cho biết, gia đình có thói quen ăn các món ăn bò tái, rau sống, nem chua. Nghi ngờ con có triệu chứng nhiễm giun sán 2 tháng qua, gia đình cháu tự mua thuốc tẩy giun sán ở tiệm thuốc song các triệu chứng đau bụng, ngứa hậu môn vẫn còn xuất hiện. Sau khi tìm hiểu thông tin, ba H.M đưa cháu đến BV YHCT tỉnh khám, điều trị.

Theo các chuyên gia, sán xơ mít là một chi sán ký sinh, cơ thể của chúng chia thành nhiều đốt nhỏ. Sán trưởng thành gồm có ba phần: phần đầu bám chặt vào ruột, phần cổ không phân đoạn nhưng có thể tái sinh rất nhanh, phần còn lại là mình gồm nhiều đoạn nhỏ (đoạn ở đuôi chứa buồng trứng). Khi trị bệnh mà không loại được đầu và cổ, sán xơ mít sẽ tái sinh toàn bộ.

Theo lãnh đạo BVYHCT, người mắc sán xơ mít thường có triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, cơ thể sút cân, gây thiếu máu, tắc đường ruột, suy nhược cơ thể… Nếu để lâu, sán ký sinh lên não có thể gây ra tổn thương cho cơ quan này. Những thức ăn như thịt bò tái, heo tái là nguồn chứa sán dải heo và sán dải bò (còn gọi là sán xơ mít) sống ký sinh ở ruột non. Đốt sán già bị rụng đi và thoát ra ngoài qua hậu môn nên nhiều người thường phát hiện thân sán trong đũng quần, trên giường, chăn.

Hằng năm, BVYHCT tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mắc sán sơ mít đến khám và điều trị. Nếu nghi ngờ có đốt sán trong phân, người bệnh nên đi khám để được điều trị sớm và triệt nhằm ngăn ngừa biến chứng bệnh ấu trùng.

Tin: L.Tuệ. Ảnh: BVCC