Một khoảng rừng Amazon tại tiểu bang Para, Brazil bị chặt phá nghiêm trọng. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trong đó, các bên liên quan đến từ khắp nơi trên thế giới, từ các quốc gia thành viên đến các đối tác xã hội dân sự, sẽ nhóm họp để thảo luận về nguồn tài nguyên quan trọng này của hành tinh.
Tại Diễn đàn lần này, Tờ UN News đã chỉ ra 5 vấn đề quan trọng. Đầu tiên, rừng đóng vai trò rất cần thiết đối với sự sống trên Trái đất. Rừng bao phủ 31% diện tích đất của Trái đất, với hơn 80% đa dạng sinh học trên cạn của thế giới, và lưu trữ nhiều carbon hơn toàn bộ bầu khí quyển.
Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội, ông Li Junhua cho rằng: "Rừng là một trong những hệ sinh thái có giá trị nhất của Trái đất. Rừng cũng tạo thành một mạng lưới xã hội và an toàn quan trọng từ một số cộng đồng dựa vào rừng để kiếm thức ăn và thu nhập".
Được biết, hơn 1,6 tỷ người phụ thuộc vào rừng để sinh sống, tìm kiếm sinh kế, việc làm và thu nhập. Khoảng 2 tỷ người, khoảng một phần ba dân số thế giới, và hai phần ba số hộ gia đình ở khu vực châu Phi vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu gỗ để nấu ăn và sưởi ấm.
Cũng tại Diễn đàn, bà Lachezara Stoeva, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ (ECOSOC) nhận định, các vùng rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết đói nghèo, cung cấp việc làm phù hợp và thúc đẩy bình đẳng giới, tất cả đều cần thiết để thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Ngoài ra, rừng và cây cối cung cấp không khí và nước sạch, đồng thời duy trì sự sống cho chúng ta bất kể chúng ta sống ở đâu. Những căn bệnh lây truyền từ động vật sang người chiếm 75% tổng số các bệnh truyền nhiễm mới nổi, và chúng thường xảy ra khi cảnh quan thiên nhiên, chẳng hạn như rừng bị chặt phá. Việc khôi phục rừng và trồng cây là một phần thiết yếu của phương pháp tiếp cận tích hợp “Một sức khỏe” đối với con người, các loài động thực vật và hành tinh.
Mặc dù vậy, mỗi năm, chúng ta tiếp tục mất đi 10 triệu ha rừng, một diện tích gần bằng diện tích của Hàn Quốc. Các khu rừng trên thế giới đang gặp rủi ro do khai thác gỗ bất hợp pháp hoặc không bền vững, những vụ cháy rừng, ô nhiễm, bệnh tật, sâu bệnh, chia cắt và tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, bao gồm cả những cơn bão lớn và các hiện tượng thời tiết khác.
Qua đó, việc phục hồi rừng được xem là chìa khóa cho một tương lai bền vững, ước tính 2 tỷ ha đất bị suy thoái trên toàn thế giới có khả năng được phục hồi. Việc phục hồi rừng bị suy thoái là rất quan trọng để đáp ứng mục tiêu của LHQ về tăng diện tích rừng toàn cầu lên 3% vào năm 2030.
Điều này cũng sẽ giúp các quốc gia tạo việc làm mới, ngăn chặn xói mòn đất, bảo vệ các lưu vực sông, giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Với sự đóng góp của những khu rừng được quản lý bền vững để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), các Mục tiêu Rừng Toàn cầu trong Kế hoạch Chiến lược về Rừng của LHQ (UNSPF) đã được hình thành dựa trên mối liên hệ với Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.