Đội tuyển Kun Khmer Việt Nam vượt chỉ tiêu huy chương vàng tại SEA Games 32 |
Tấm HCV đầu tiên của Tạ Thị Kim Yến là khả năng vượt lên chính mình khi bước vào trận chung kết hạng cân 48 kg nữ. Gặp võ sĩ May Thazin Htoo của Myanmar ở trận đấu tranh HCV SEA Games 32, Tạ Thị Kim Yến đã làm chủ thế trận với những pha chủ động tấn công hiệu quả khiến võ sĩ Myanmar choáng váng chỉ biết chống đỡ. Với sự vượt trội, Kim Yến được tuyên bố thắng cuộc để giành HCV một cách xứng đáng.
Huỳnh Hà Hữu Hiếu lại có tấm HCV dễ dàng nhất, có lẽ cho cả đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này. Ở hạng 45kg trong môn Kun Khmer, chỉ có 3 võ sĩ góp mặt, do đó theo bốc thăm ngay từ vòng đầu tiên thi đấu đã được xem là bán kết.
Hữu Hiếu gặp đối thủ người Campuchia Changdeng Chha và thắng áp đảo ở ba ván đấu để có kết quả 3-0 chung cuộc. Đối thủ của Huỳnh Hà Hữu Hiếu tại chung kết hạng cân 45kg là Sysoubanthong Manyvanh (Lào), trước giờ khai cuộc đã bỏ cuộc, vậy là Huỳnh Hà Hữu Hiếu được xử thắng và có HCV.
Trong khi đó, Bàng Thị Mai lại cho thấy sức mạnh tuyệt vời với tấm HCV thứ 3 cho Kun Khmer Việt Nam. Trong trận chung kết nội dung đối kháng, hạng cân 60kg nữ, môn Kun Khmer, VĐV Bàng Thị Mai đã thắng knock out VĐV Samnang Sam của nước chủ nhà Campuchia, giành HCV. Võ sĩ Việt Nam cao hơn đối thủ nhờ bộ chân mạnh mẽ và ra đòn dứt khoát. Võ sĩ Kun Khmer Bàng Thị Mai từng gây sốc vô địch quốc gia 3 môn võ thuật khác nhau trước khi giành tấm HCV Muay thế giới.
Triệu Thị Phương Thủy lại có tấm HCV lần đầu tiên ở tuyển Kun Khmer Việt Nam với trận thắng bằng tính điểm trước những võ sĩ của chủ nhà Campuchia. Bước vào thi đấu chung kết hạng 51kg nữ gặp đối thủ chủ nhà Campuchia là võ sĩ Soeung Moeuy, nữ võ sĩ Việt Nam nhập cuộc rất tự tin, thi đấu xuất sắc và có 3 hiệp đấu áp đảo đối thủ. Với màn thể hiện tốt trong cả 3 hiệp, các giám khảo đều chấm cho Phương Thủy điểm cao hơn, qua đó giành tấm HCV hoàn toàn xứng đáng.
Cũng như Bàng Thị Mai, võ sĩ Bùi Yến Ly tỏ ra quá mạnh so với tay đấm nước chủ nhà Sreyphin Tour của Campuchia ở hạng cân 57kg. Đại diện của Việt Nam giành chiến thắng áp đảo đối thủ để mang về tấm HCV thứ 5 cho đội tuyển Kun Khmer Việt Nam. Cô thắng 10-8 ở hiệp 1, 10-9 ở hiệp 2 và sau đó thắng chung cuộc với khoảng cách áp đảo. Nhiều lần, Yến Ly khiến đối thủ bị choáng và thở dốc ở trên sàn đài. Bùi Yến Ly từng 4 lần vô địch thế giới môn Muay.
Cùng với Kun Bokator, cờ ốc và Jet ski, Kun Khmer là môn thi đấu độc và lạ, chưa từng có tại các kỳ đại hội được chủ nhà Campuchia cho ra mắt theo quy định được phép của nước chủ nhà SEA Games 32. Dù xuất hiện tại chương trình thi đấu SEA Games 32 với nhiều tranh cãi, Thái Lan kiên quyết không tham dự môn Kun Khmer tại SEA Games năm nay để phản đối việc nước chủ nhà đã “sao chép y nguyên” môn Muay Thái của họ, song môn võ Kun Khmer dự kiến vẫn có đến 7 đội tuyển tham gia tranh tài 19 bộ huy chương. Đội tuyển Kun Khmer Việt Nam được thành lập với những võ sĩ xuất sắc của đội tuyển muay Việt Nam chuyển sang.
Kun Khmer còn có tên gọi là Pradal Serey, là môn võ thuật có nguồn gốc từ Campuchia. Theo tiếng Campuchia, Kun là võ, Khmer có nghĩa là người Khmer - vì vậy tên gọi Kun Khmer hiểu đơn giản là “võ thuật của người Khmer”, một cách gọi tương tự với Muay Thái của Thái Lan. Kun Khmer sở hữu hệ thống kỹ thuật sử dụng các đòn đấm - đá - chỏ - gối và ôm ghì (clinch) để tấn công, quật ngã đối thủ. Đặc biệt, các võ sĩ Kun Khmer được biết tới nhờ khả năng áp dụng các đòn tay và cùi chỏ nhiều hơn những môn võ tương đồng trong khu vực như Muay (Thái Lan, Lào), Leth Wei (Myanmar).