Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực. Ảnh minh hoạ: TTXVN/Vietnam+ |
Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2023, 3 điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Campuchia theo RCEP là Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Trong đó, Campuchia đã vận chuyển một lượng sản phẩm, hàng hoá trị giá 1,18 tỷ USD sang Việt Nam, 440 triệu USD sang Trung Quốc và 393 triệu USD sang Thái Lan.
Thứ trưởng kiêm phát ngôn viên Bộ Thương mại Campuchia Penn Sovicheat cho biết, RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Hiệp định là động lực chính cho tăng trưởng thương mại bền vững của Campuchia trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
“Sự tăng trưởng xuất khẩu của chúng tôi là minh chứng cho khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn của các sản phẩm đối với các nước thành viên RCEP với mức thuế ưu đãi. Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng thương mại của chúng tôi mà còn trở thành thỏi nam châm thu hút thêm nhiều khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Campuchia”, ông Penn Sovicheat nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Penn Sovicheat, RCEP sẽ giúp Campuchia thoát khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển nhất (LDC) vào năm 2028 và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
Nhà kinh kế cấp cao Ky Sereyvath, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu về Trung Quốc tại Học viện Hoàng gia Campuchia cho biết, hiệp định thương mại lớn trong khu vực đã giữ cho thị trưởng mở, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và hỗ trợ cho một nền kinh tế mở, một hệ thống thương mại đa phương tự do, công bằng, toàn diện.
“RCEP đã giúp Campuchia và các nước thành viên khác nhanh chóng phục hồi kinh tế và thương mại sau đại dịch. Về lâu dài, tôi tin rằng nó sẽ trở thành một trọng tâm mới cho thương mại toàn cầu”, ông Penn Sovicheat chia sẻ với phóng viên báo Xinhua.
Trong một ý kiến có liên quan, Joseph Matthews, Giáo sư cấp cao tại Đại học Quốc tế BELTEI ở Phnom Penh cho biết, RCEP đang trở thành chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế và thương mại khu vực trong thời kỳ hậu đại dịch.
“Nó mang lại sự hợp tác cùng có lợi và kết quả đôi bên cùng có lợi cho tất cả các nước tham gia. Tất cả các nước thành viên đã gặt hái và sẽ tiếp tục gặt hái những lợi ích của RCEP trong tương lai dài hạn”, Giáo sự Joseph Matthews chia sẻ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong Triển vọng Kinh tế Thế giới hàng năm, được công bố vào tháng trước rằng Campuchia là một trong 3 nền kinh tế RCEP phát triển mạnh nhất vào năm 2023, cùng với Philippines và Việt Nam.
Trong đó, Campuchia đứng thứ hai, ngang hàng với Việt Nam, cả hai nền kinh tế được dự đoán sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2023, trong khi nền kinh tế Philippines được dự báo tăng trưởng 6%.
Hiệp định Thương mại Tự do RCEP bao gồm 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác bao gồm Trung Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.