leftcenterrightdel
 

Đất thiêng đề cập đến dự án “di dân lịch sử”: di dời dân cư, giải phóng mặt bằng, phát huy giá trị khu vực1, di tích Kinh thành Huế. Đây là một dự án lớn, mang tính đột phá trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, được sự đồng thuận của dân cư tại chỗ, ủng hộ của Chính phủ, quan tâm và theo dõi của Nhân dân trong nước, và nước ngoài. Bước đầu dự án đã mang lại những kết quả khả quan, đáng mừng, dần trả lại dáng vẻ nguyên sơ, tạo nét khởi sắc mới duyên dáng của bộ mặt Kinh thành Huế.

Để đưa câu chuyện “lịch sử” này vào văn xuôi, tiểu thuyết đã khó, chuyển nó thành thơ, trường ca lại càng không dễ. Với “kho tri thức” tích lũy bấy lâu (nổi trội là kiến thức lịch sử, văn hóa Huế), từ thể nghiệm ở hai trường ca trước, bằng sự đam mê, tâm huyết, Nguyễn Duy Từ đã nỗ lực“vượt lên chính mình”, trong một “khoảng lặng" cần thiết, dồn nén hơn chín mươi ngày (từ tháng 12-2022 đến tháng 3-2023) để tạo nên hình hài và hồn vía Đất thiêng - đứa con tinh thần mà anh hằng ấp ủ, nâng niu, để trả ơn người, ơn đời.

Đất thiêng với 946 câu, chủ yếu viết theo thể thơ tự do (có xen thơ lục bát, ca dao, hò, vè…), được chia thành sáu phần: mở, 4 khúc và kết.

Mở là cuộc trò chuyện của hai cha con người đạp xích lô cư ngụ ở Thượng thành đã mấy đời. Tác giả đã “mượn” hình ảnh luống cải hoa vàng, đôi chim bạc má, chích chòe lửa, bồ câu và tiếng gà tục tác… để diễn tả tâm trạng, nỗi lòng của họ trong đêm cuối cùng tại mảnh đất đã cưu mang, che chở mình vượt qua mưa nắng, bão giông, bươn chải ngược xuôi của kiếp mưu sinh nghèo khó… ngày mai phải rời xa nơi này, để định cư chỗ mới: “Ôi! Cha không ngủ được con ơi, ngày mai chúng ta lên đường/ về một tương lai?/ Ngày mai tạ từ Thượng Thành/ Gửi lại hòn đất bao nhớ bao thương/ gửi lại luống rau bao vấn bao vương”. Từ khúc một đến khúc bốn là cuộc du hành của nhân vật “tôi” (tác giả), bắt đầu nơi “cầu Thanh Long vẽ nửa vầng trăng” qua “xóm Lương Y”, "Tây Thành Thủy Quan", “Quan Tượng Đài”, “Kỳ Đài”, “Thượng Thành”… kết thúc dừng chân “bên Cửa Hậu”.

Thông qua cuộc du hành nhuốm màu thực ảo được kết nối bằng sợi dây tâm linh ấy, người viết đã khéo léo và tinh tế lồng ghép, pha trộn chất sử thi trên nền bản sắc văn hóa Huế, với tên đất, tên người, cảnh quan/ danh thắng, di sản… dựng lại bức tranh khá chân thực và sống động của vùng đất thiêng, với những dấu mốc lịch sử lớn và nhân vật (danh nhân) tiêu biểu (từ ngày mở đất, lập nghiệp), Kinh đô Phú Xuân của anh hùng dân tộc Quang Trung; sự ra đời, phát triển và kết thúc của Vương triều Nguyễn (13 vua Nguyễn) gắn với quá trình xây dựng Kinh Thành Huế), cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ diễn ra nơi đây. Đó không gì khác hơn, chính là tấm lòng thành kính tri ân của hậu thế với cha ông, niềm tin yêu và khát vọng trong cuộc hành trình tiếp nối quá khứ hào hùng, bừng dậy của một tương lai tươi sáng “Kinh thành sáng bừng lên/ Nhắc tên Thượng Thành. Eo Bầu, Ngự Hà, Hộ Thành Hào, Tịnh Tâm, Học Hải, Trấn Bình Đài, Xã Tắc…/ và lòng người bất khuất/ giữ đất cha ông, giữ bóng thời gian!”.

Kết, là lời tâm tình, dặn dò, nhắn gửi của tác giả với cô con gái cưng của mình: “Con ơi, ba đã gặp họ/ hai cha con đêm cuối cùng chốn cũ trú ngụ/ gởi lại nắm đất thiêng/ Trả lại mảnh đất thiêng thành xưa/ Họ về với đất Hương Sơ”. Và “Con sẽ đi qua năm châu, bốn bể/ Lên tầng trời cao, xuống lòng đất sâu/ đến ở nơi đâu/ Ba vẫn tin như lời nguyện cầu: Huế của Kinh Thành/ Huế của Quần thể di tích/ Huế - Di sản văn hóa nhân loại/ Báu ngọc tổ tiên, cha ông truyền lại”.

Từ câu chuyện dung dị đời thường của hai cha con trong cuộc di dân lịch sử, với góc nhìn văn hóa, tác giả phần nào đã làm cho người đọc cảm nhận như được sống với những sự kiện, nhân vật lịch sử đã qua, hiểu hơn về chiều sâu lịch sử, bề dày văn hóa của mảnh đất thiêng. Qua đó, gợi mở, và gửi gắm những điều thiêng liêng, tâm huyết (nhất là đối với thế hệ trẻ), để thêm tự hào, tin yêu, sống có trách nhiệm với đất thiêng Huế, trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế lên một tầm cao mới.

Đó cũng chính là điều cần ghi nhận, đáng khích lệ, và đóng góp của Đất thiêng...

Bài, ảnh: Lê Viết Xuân