ClockThứ Năm, 18/05/2023 13:29

Giữ đất cha ông, giữ bóng thời gian

TTH - Có thể xem đó là câu thơ “chốt” của tác giả Nguyễn Duy Từ gửi gắm trong trường ca "Đất thiêng" vừa mới xuất bản. Đây là trường ca thứ ba (tiếp nối: Huế mùa đông 1999 xuất bản năm 1999, và Trại COVID-19 xuất bản năm 2020) vừa mang tính kế thừa, vừa thể hiện sự tìm tòi cái mới trong mạch nguồn cảm hứng sáng tạo “thay lời muốn nói” anh dành cho bạn đọc.

Giới thiệu tác phẩm “Ngự chế minh văn cổ khí đồ” của vua Minh MạngTriển lãm ảnh tư liệu và giới thiệu sách về Đại tá Hà Văn Lâu

leftcenterrightdel
 

Đất thiêng đề cập đến dự án “di dân lịch sử”: di dời dân cư, giải phóng mặt bằng, phát huy giá trị khu vực1, di tích Kinh thành Huế. Đây là một dự án lớn, mang tính đột phá trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, được sự đồng thuận của dân cư tại chỗ, ủng hộ của Chính phủ, quan tâm và theo dõi của Nhân dân trong nước, và nước ngoài. Bước đầu dự án đã mang lại những kết quả khả quan, đáng mừng, dần trả lại dáng vẻ nguyên sơ, tạo nét khởi sắc mới duyên dáng của bộ mặt Kinh thành Huế.

Để đưa câu chuyện “lịch sử” này vào văn xuôi, tiểu thuyết đã khó, chuyển nó thành thơ, trường ca lại càng không dễ. Với “kho tri thức” tích lũy bấy lâu (nổi trội là kiến thức lịch sử, văn hóa Huế), từ thể nghiệm ở hai trường ca trước, bằng sự đam mê, tâm huyết, Nguyễn Duy Từ đã nỗ lực“vượt lên chính mình”, trong một “khoảng lặng" cần thiết, dồn nén hơn chín mươi ngày (từ tháng 12-2022 đến tháng 3-2023) để tạo nên hình hài và hồn vía Đất thiêng - đứa con tinh thần mà anh hằng ấp ủ, nâng niu, để trả ơn người, ơn đời.

Đất thiêng với 946 câu, chủ yếu viết theo thể thơ tự do (có xen thơ lục bát, ca dao, hò, vè…), được chia thành sáu phần: mở, 4 khúc và kết.

Mở là cuộc trò chuyện của hai cha con người đạp xích lô cư ngụ ở Thượng thành đã mấy đời. Tác giả đã “mượn” hình ảnh luống cải hoa vàng, đôi chim bạc má, chích chòe lửa, bồ câu và tiếng gà tục tác… để diễn tả tâm trạng, nỗi lòng của họ trong đêm cuối cùng tại mảnh đất đã cưu mang, che chở mình vượt qua mưa nắng, bão giông, bươn chải ngược xuôi của kiếp mưu sinh nghèo khó… ngày mai phải rời xa nơi này, để định cư chỗ mới: “Ôi! Cha không ngủ được con ơi, ngày mai chúng ta lên đường/ về một tương lai?/ Ngày mai tạ từ Thượng Thành/ Gửi lại hòn đất bao nhớ bao thương/ gửi lại luống rau bao vấn bao vương”. Từ khúc một đến khúc bốn là cuộc du hành của nhân vật “tôi” (tác giả), bắt đầu nơi “cầu Thanh Long vẽ nửa vầng trăng” qua “xóm Lương Y”, "Tây Thành Thủy Quan", “Quan Tượng Đài”, “Kỳ Đài”, “Thượng Thành”… kết thúc dừng chân “bên Cửa Hậu”.

Thông qua cuộc du hành nhuốm màu thực ảo được kết nối bằng sợi dây tâm linh ấy, người viết đã khéo léo và tinh tế lồng ghép, pha trộn chất sử thi trên nền bản sắc văn hóa Huế, với tên đất, tên người, cảnh quan/ danh thắng, di sản… dựng lại bức tranh khá chân thực và sống động của vùng đất thiêng, với những dấu mốc lịch sử lớn và nhân vật (danh nhân) tiêu biểu (từ ngày mở đất, lập nghiệp), Kinh đô Phú Xuân của anh hùng dân tộc Quang Trung; sự ra đời, phát triển và kết thúc của Vương triều Nguyễn (13 vua Nguyễn) gắn với quá trình xây dựng Kinh Thành Huế), cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ diễn ra nơi đây. Đó không gì khác hơn, chính là tấm lòng thành kính tri ân của hậu thế với cha ông, niềm tin yêu và khát vọng trong cuộc hành trình tiếp nối quá khứ hào hùng, bừng dậy của một tương lai tươi sáng “Kinh thành sáng bừng lên/ Nhắc tên Thượng Thành. Eo Bầu, Ngự Hà, Hộ Thành Hào, Tịnh Tâm, Học Hải, Trấn Bình Đài, Xã Tắc…/ và lòng người bất khuất/ giữ đất cha ông, giữ bóng thời gian!”.

Kết, là lời tâm tình, dặn dò, nhắn gửi của tác giả với cô con gái cưng của mình: “Con ơi, ba đã gặp họ/ hai cha con đêm cuối cùng chốn cũ trú ngụ/ gởi lại nắm đất thiêng/ Trả lại mảnh đất thiêng thành xưa/ Họ về với đất Hương Sơ”. Và “Con sẽ đi qua năm châu, bốn bể/ Lên tầng trời cao, xuống lòng đất sâu/ đến ở nơi đâu/ Ba vẫn tin như lời nguyện cầu: Huế của Kinh Thành/ Huế của Quần thể di tích/ Huế - Di sản văn hóa nhân loại/ Báu ngọc tổ tiên, cha ông truyền lại”.

Từ câu chuyện dung dị đời thường của hai cha con trong cuộc di dân lịch sử, với góc nhìn văn hóa, tác giả phần nào đã làm cho người đọc cảm nhận như được sống với những sự kiện, nhân vật lịch sử đã qua, hiểu hơn về chiều sâu lịch sử, bề dày văn hóa của mảnh đất thiêng. Qua đó, gợi mở, và gửi gắm những điều thiêng liêng, tâm huyết (nhất là đối với thế hệ trẻ), để thêm tự hào, tin yêu, sống có trách nhiệm với đất thiêng Huế, trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế lên một tầm cao mới.

Đó cũng chính là điều cần ghi nhận, đáng khích lệ, và đóng góp của Đất thiêng...

Bài, ảnh: Lê Viết Xuân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”

Trước “Nhận mặt thời gian”, NXB Thuận Hóa, 2023, Châu Thu Hà đã trình làng 2 tác phẩm “Khúc đêm” (2002) và “Nép về phía anh” (2014). Nữ thi sĩ chủ yếu viết về tình yêu lứa đôi. Thơ tình của chị vừa “dữ dội” vừa “dịu êm”, vừa “ồn ào” vừa “lặng lẽ”. Có điều, khoảng cách thời gian khá dài giữa 3 tập thơ tạo cho mỗi tập có những sắc thái tình cảm riêng. Tập đầu: rụt rè và e ấp; tập thứ hai: mãnh liệt và nồng cháy; tập thứ ba: nhẹ nhàng và sâu lắng.

Cùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”
Ẩm thực ven đường Huế

“Ẩm thực ven đường Huế” (NXB Phụ nữ Việt Nam) là cuốn sách mới nhất của tác giả Vũ Thế Thành vừa ra mắt độc giả trong tháng 4 vừa qua. Cuốn sách là góc nhìn của một “người khách phương xa đến Huế nhiều lần” và dành tình yêu đặc biệt với Huế, nhất là những món ăn.

Ẩm thực ven đường Huế
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương
Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”
Return to top