TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN trao kỷ niệm chương cho các nhà khoa học |
Thừa Thiên Huế được đánh giá là vùng đất có dư địa hấp dẫn để đầu tư khai thác phát triển kinh tế -xã hội (KT-XH) trên các lĩnh vực; trong đó mạch nguồn văn hóa cố đô Huế là thị trường tiềm năng.
Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chính sách, cơ chế trong quản lý chuyển giao KH&CN, ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, như phát triển tài sản trí tuệ, phát triển hệ sinh thái cố đô khởi nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...Từng bước gia tăng hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Huế.
TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, Thừa Thiên Huế là nơi tích tụ nền văn hóa được tiếp biến nhiều hệ giá trị đỉnh cao của cả dân tộc. Trong xu hướng hiện đại hóa, vấn đề bản sắc văn hóa càng được xem trọng. Đó chính là nguồn lực viết lên những câu chuyện "rặt Huế" trong mỗi sản phẩm, từng địa danh, nhân danh... tiêu biểu một thời để làm nên động năng văn hóa Huế hôm nay. Đó là những giá trị văn hóa, là mạch nguồn, là "bảo tàng sống" để khai thác, làm giàu.
Phục hồi Đông y-tinh hoa của văn hóa Huế |
Nhà nghiên cứu Văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, Thừa Thiên Huế với lợi thế so sánh là vùng đất Cố đô, một trong những trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam thì việc phát triển KH&CN và ĐMST trên nền tảng văn hóa càng cần phải được xem trọng. Lâu nay, khi đã nói về những giá trị của di sản văn hóa Huế, chúng ta thường đặc biệt quan tâm đến hệ thống di tích cố đô có giá trị nổi bật toàn cầu, một nền mỹ thuật cung đình độc đáo; một hệ thống nghệ thuật diễn xướng cung đình gắn kết với dân gian...Thế nhưng, ngoài những giá trị nổi bật đó, di sản văn hóa Huế còn chứa đựng một kho tàng tri thức khoa học thông qua các tư liệu thư tịch Hán Nôm lớn nhất cả nước, gắn với những kinh nghiệm thực tiễn được lưu truyền nhiều đời trong tri thức dân gian. Đây là một vốn quý của khoa học Việt Nam được chứa đựng trong lòng di sản văn hóa Huế cần khai thác đúng giá trị của nó.
Chú trọng bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống
Nhiều ý kiến của các đại biểu chia sẻ tại hội thảo đặc biệt chú trọng về bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống. Cùng với đó, là tôn vinh các giá trị văn hóa tôn giáo gắn với du lịch tâm linh có ý nghĩa rất lớn trong đời sống người dân và phát triển KT-XH. Bên cạnh đó cần phát triển các sản phẩm văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, như Huế Kinh đô ẩm thực, Huế kinh đô áo dài, Hoàng mai Huế... mà gần đây tỉnh đã ban hành những cơ chế, chính sách quan tâm thúc đẩy phát triển. Ngoài ra phát triển Huế -tinh hoa Đông y gắn với tri thức bản địa-một trục văn hóa thảo dược trong đề án phát cây dược liệu ở địa phương...cũng cần được quan tâm.
TS Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển cho rằng, để thúc đẩy phát triển KH&CN và ĐMST trên nền tảng văn hóa cần chú trọng chọn lĩnh vực, sản phẩm cụ thể. Trong đó cần một cơ chế chính sách cụ thể, thu hút nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển và có sự hợp tác, kết nối nguồn lực chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số...; đồng thời đặt hàng đi tìm ý tưởng, thúc đẩy chương trình khởi nghiệp về lĩnh vực văn hóa...
TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, qua hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết từ những người yêu Huế, yêu văn hóa Huế. Mong rằng những người đang hoạt động trong lĩnh vực KH&CN sẽ đồng hành cùng ngành văn hóa trong việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN nhằm phát huy giá trị truyền thống văn hóa trong tiến trình phát triển KT-XH của tỉnh, hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước.