Tảo độc trên mặt nước gây bất lợi cho thủy sản nuôi |
Nhiệt độ nước có xu hướng tăng cao vào ban ngày nhưng lại giảm mạnh vào ban đêm, tạo ra khoảng chênh lệch lớn. Nhiệt độ tại các điểm dọc phá Tam Giang như xã Quảng Công, thị trấn Sịa (Quảng Điền), các xã Hải Dương, Hương Phong và phường Thuận An (TP. Huế) có giá trị tiệm cận và vượt ngưỡng của giới hạn cho phép.
Nhiệt độ cao sẽ làm quá trình phát triển, lụi tàn của rong tảo nhanh hơn nên rất dễ xảy ra ô nhiễm hữu cơ cục bộ và làm tăng hàm lượng khí độc trong nước; nhiệt độ cao ảnh hưởng đến hô hấp, tăng quá trình trao đổi chất (do thủy sản là loài động vật biến nhiệt) và gây ra các hiện tượng bất thường cho thủy sản nuôi như bỏ ăn, bệnh lý...
Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, cần theo dõi thời tiết và kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi để có các biện pháp kỹ thuật phù hợp. Lưu ý về khẩu phần và chế độ ăn hợp lý theo kích cỡ, mật độ các loại thủy sản nuôi, giảm 15 - 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng; định kỳ 10 -15 ngày/lần bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng; sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm cá, thời gian mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng sức đề kháng; sử dụng các loại chế phẩm sinh học định kỳ 10 - 15 ngày/lần để xử lý nước và đáy ao nuôi.
Để ổn định pH có thể sử dụng vôi bột (CaCO3) hoặc vôi Dolomite. Người dân cần rải vôi xung quanh bờ ao hoặc đào rãnh xung quanh bờ ao, rải vôi vào rãnh để ngăn nước mưa mang phèn và chất bẩn từ trên bờ ao xuống, đặc biệt trước các ngày có mưa giông. Khi sử dụng các sản phẩm phải nằm trong danh mục cho phép được lưu hành, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, hoặc cán bộ kỹ thuật.