Theo thông tin được đăng tải trên trang web của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 5 tháng đầu năm 2015, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đều tăng, cả về lượt khách quốc tế, nội địa và doanh thu du lịch trong thời gian này ước đạt 1.154 tỷ đồng, tăng 6,57% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch trong tháng 5 vừa qua vào khoảng trên 229 tỷ đồng, tăng 6,08%. Hệ số đặt phòng cao, các khách sạn gần như kín chỗ - nhất là trong các ngày cao điểm nhưng không có tình trạng thiếu phòng lưu trú cũng như không có những thông tin về nâng giá, ép giá…là những mặt được của dịch vụ du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua. Cũng theo nguồn tin đã dẫn, du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục khởi sắc trong khi du lịch cả nước có những khó khăn khi lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm liên tiếp trong 5 tháng đầu năm.

Để qua một bên những băn khoăn về độ vênh của các con số, chẳng hạn như con số lượng khách ước đạt trong 4 tháng đầu năm trên 600,3 nghìn của trang https://www.thuathienhue.gov.vn ngày 4/5/2015 và 1,2 triệu lượt trong 5 tháng đầu năm của trang http://svhttdl.thuathienhue.gov.vn ngày 28/5/2015 ( giữa quãng thời gian này là con số 262,156 nghìn lượt đã được thống kê của tháng 5 đã nêu ở trên); điều mà chúng tôi quan tâm là bên cạnh những mặt được, vấn đề hiện nay của du lịch và dịch vụ du lịch của Thừa Thiên Huế đã vượt được ngưỡng số ngày khách lưu trú là 2,06? Du lịch dịch vụ Huế đã ra khỏi được những điểm nghẽn đang có, bao gồm các vấn đề về thiếu sản phẩm du lịch mới thay vì tập trung vào phát triển cơ sở lưu trú? Về tỷ lệ khách quay lại lần thứ hai, thứ ba; về nhiều tiềm năng du lịch, nhất là du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…) vẫn còn bỏ ngỏ hoặc chưa được chú trọng đầu tư xứng tầm; việc quảng bá sản phẩm và hình ảnh của vùng đất đã thật sự được như mong đợi? Bên cạnh đó là những dấu lặng đang có khác trong việc “vận hành” những cách làm mới cũng như sự kết nối của các doanh nghiệp với nhau và với các hiệp hội nghề nghiệp hãy còn rời rạc. Ngay cả như chương trình kích cầu Tuần lễ vàng du lịch tại di sản văn hóa Huế vẫn mang dấu ấn về những nỗ lực tự thân của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế…

Mặt khác, nếu xét trên bình diện xã hội, du lịch và dịch vụ Huế vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Không chỉ ở nguồn lực trong dân chưa nhiều, lại chưa được đầu tư hợp lý và Huế vẫn đang thiếu nhiều dịch vụ hỗ trợ khác như các điểm vui chơi, các trung tâm giải trí, biểu diễn văn hóa nghệ thuật có chất lượng, các trung tâm mua sắm cao cấp để phục vụ đối tượng khách có nguồn thu nhập cao… Cũng ở bình diện này, tính đại cục có lẽ vẫn chưa được người dân nhận thức đầy đủ. Vì thế, việc chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách vẫn diễn ra ở nơi này nơi kia, dù tỉnh và các địa phương có điểm tham quan đã triển khai nhiều hoạt động cũng như có những chế tài nhằm hạn chế và tiến tới dứt điểm tình trạng này.

Chỉ số đạt được qua các mốc thời gian hẳn nhiên là sự đánh giá về hoạt động của từng ngành, lĩnh vực ở từng thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, thông điệp tích cực cũng sẽ không đầy đủ khi độ co giãn của các con số nằm trong một biên độ quá rộng. Hơn nữa, cái được mong muốn đạt tới là sự vận động, thay đổi, là những sản phẩm cụ thể và thực chất trên từng khía cạnh hoạt động cụ thể chứ không chỉ ở những con số.

Bình Nguyên