Nhìn cô gái 19 tuổi Ánh Viên chắc khỏe, nụ cười hiền và dáng vẻ quê lại nhớ đến Nguyễn Thị Ngọc Tư với những nhân vật trong truyện ngắn và tản văn của cô. Nhà văn Nguyên Ngọc bảo, văn học Việt Nam hiện đại có thể “có mấy cái’ thì đầu tiên là Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, tiếp đến là một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, sau nữa là Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh và nay là Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận. Nguyên Ngọc lại nhận xét, với Cánh đồng bất tận cùng với Nguyễn Ngọc Tư, văn chương nước ta đã đàng hoàng bước ra thế giới bên ngoài, đĩnh đạc bước vào toàn cầu hóa hôm nay.

Cũng là Nguyên Ngọc kể, lần đầu tiên nhà văn gặp Nguyễn Thị Ngọc Tư khi ông từ Hà Nội vào Cà Mau cách nay đã mấy mươi năm. Lúc đó, ngồi nói chuyện với vị Chủ tịch Hội Văn nghệ địa phương, thỉnh thoảng ông thấy một “con nhỏ” chạy ra chạy vô rót nước, đôi lúc lại dừng lại một chút chừng như là để lắng nghe. Rồi ông sợ, lo quá không biết bữa đó mình có bốc đồng nói linh tinh những gì to tát về văn chương không. Con người văn chương khó phát lộ ra bên ngoài nhưng vận động viên bơi lội như Ánh Viên thì lại khác. Ngay từ khi mới học lớp 5, cô bé vàng đã khiến mọi người sửng sốt với 2 thông số bơi lội căn bản, đó là độ nổi nước đạt tới 35 giây, vận động viên bình thường chỉ từ 7 đến 10 giây; sải tay dài hơn chiều cao tới 6 cm, vận động viên bình thường chi hơn 1- 2 cm là cùng. Đó là những tố chất hội đủ của một tài năng.

Thời điểm khi Ánh Viên với 6 huy chương vàng và 7 kỷ lục SEA Games vẫn thút thít khóc vì không hài lòng với chính mình bởi “bản thân đã mắc một số lỗi không thể chấp nhận được” để “rơi vàng” trước đó, thì cũng như nhiều người tôi nhận ra đằng sau câu nói chân chất đó là phẩm chất của một nhà vô địch, là tâm thế “ta chẳng hề thua gì họ” của một Nguyễn Thị Ngọc Tư trong văn chương. Năm năm hay mười năm trước đó, thế hệ đàn chị, đàn anh của Ánh Viên đâu dám như thế, họ chỉ biết an ủi trước những thất bại khi “chủ yếu là để học hỏi, rút kinh nghiệm”, cụm từ nghe xót xa thế nào, mang thân phận của kẻ nhược tiểu. Hiểu được điều đó để thấy rằng, những câu chuyện mà báo chí kể lại về Ánh Viên, như cô bé miền Tây đã trả lời phỏng vấn quốc tế bằng tiếng Anh khá lưu loát tại SEA Games 28 khi mà chỉ năm trước đó ở Asiad 2014, Ánh Viên phải phiền tới phiên dịch, như thêm một tý gia vị cho một tài năng được khẳng định.

Đặt Ngọc Tư cạnh Ánh Viên là một sự khập khễnh, nhưng lại là một sự khập khễnh đáng yêu. Đích đến Ánh Viên là cái gì đó cụ thể, chiến tích đem tới nụ cười vui, sự sảng khoái và nói như cánh dân nhậu là “quá đã”. Nó khác với đóng góp của Ngọc Tư có thể nhiều người không nhận ra để rồi trước đó phải trải qua bao sóng gió và tai ương. Thế nhưng, có lẽ cả hai đều giống nhau ở một điểm là sự khát khao và niềm tin gửi gắm. Kỳ tích đến từ những cô gái quê ở một vùng đất còn kém phát triền miền Tây Nam Bộ như Ngọc Tư hay Ánh Viên cho phép ta có được một niềm tin về kho báu tài năng còn lắm tiềm tàng đang chờ được phát lộ và tỏa sáng!

Thục Đan