leftcenterrightdel
 Ruộng thử nghiệm phòng trừ nhóm bệnh do vi khuẩn trên giống sen hồng cao sản

Diện tích sen trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 530 ha, cao nhất vào năm 2020 với diện tích khoảng 603 ha; năng suất trung bình 2,5 tấn/ha. Tuy nhiên, năng suất, sản lượng sen có xu hướng giảm do tác động của thiên tai và sâu, bệnh hại. Các yếu tố, điều kiện trong thực trạng canh tác cây sen, như: quy hoạch, diện tích, giống, phân bón, chăm sóc, chế biến, bảo quản, phòng trừ sâu bệnh, nguồn nước… có nhiều bất lợi tác động đến việc phát triển cây sen trên địa bàn tỉnh.

Đề tài nghiên cứu tập trung vào điều tra thực trạng tình hình sản xuất, thành phần sâu, bệnh hại và diễn biến một số sâu, bệnh hại chính trên cây sen; xác định các loại sâu hại chính cũng như nguyên nhân gây bệnh hại chính trên cây sen và biện pháp phòng trừ. Nghiên cứu thử nghiệm các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây sen; xây dựng quy trình quản lý sâu, bệnh tổng hợp trên cây sen và mô hình thử nghiệm quy trình quản lý sâu bệnh hại tổng hợp trên đồng ruộng.

leftcenterrightdel
 Thực hiện các biện pháp phòng trừ, quy trình quản lý sâu, bệnh hại trên cây sen sẽ tăng năng suất

Qua nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài xác định có 8 loài sâu hại trên các giống sen tại Thừa Thiên Huế: Sâu khoang, bọ trĩ, rầy mền, rầy xanh, bọ xít, sâu xanh da láng, bọ cánh cứng hoa súng, sâu róm. Đồng thời, xác định được một số sinh vật gây hại chính trên cây sen, gồm sâu hại và bệnh hại. Sâu hại gồm sâu khoang và bọ trĩ, là đối tượng đều gây hại chính và phổ biến trên ruộng sen. Bệnh hại gồm bệnh đốm lá và bệnh thối thân thối lá. Đây là đối tượng chính và rất phổ biến trên diện rộng.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định nguyên nhân gây bệnh hại chính trên cây sen và thử nghiệm các biện pháp phòng trừ, quy trình quản lý sâu, bệnh hại trên cây sen tại đồng ruộng. Qua đó áp dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, giúp ngăn chặn sâu, bệnh hại trên cây sen, đem lại năng suất, sản lượng sen thu hoạch cho người dân.

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG