leftcenterrightdel
 Vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi do Việt Nam sản xuất và thử nghiệm. Ảnh minh hoạ: Báo Lao động

Được biết, dịch tả lợn châu Phi (ASF) trong nhiều năm đã làm gián đoạn thị trường thịt lợn toàn cầu trị giá 250 triệu USD. Trong đợt bùng phát nghiêm trọng nhất vào giai đoạn 2018 – 2019, khoảng một nửa đàn lợn của Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất thế giới đã chết, gây thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ USD.

Gregorio Torres, người đứng đầu bộ phận khoa học của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) chia sẻ với phóng viên hãng tin Reuters rằng, sau nhiều thập kỷ nỗ lực thất bại do tính phức tạp của virus, hai loại vaccine do các nhà khoa học Mỹ đồng phát triển đang được các công ty Việt Nam thử nghiệm trong các chương trình thí điểm quy mô lớn cho thấy kết quả “rất hứa hẹn”.

“Chúng tôi chưa bao giờ tiến gần đến việc tạo ra một loại vaccine có thể hoạt động”, Trưởng ban Gregorio Torres chia sẻ, đồng thời ông cũng lưu ý rằng hai loại vaccine này “có lẽ sẽ có cơ hội thành công cao nhất” và được phép bán ra trên thị trường toàn thế giới.

Được biết, cả hai loại vaccine này được phê duyệt để sử dụng thương mại thí điểm ở Việt Nam, hiện quá trình sử dụng thí điểm này đã hoàn thành. Bước tiếp theo sẽ là cấp phép trên toàn quốc, lần đầu tiên vaccine phòng tả lợn châu Phi đạt được điều này và có thể bán ra nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack cho biết, có khả năng Mỹ sẽ quan tâm đến việc mua vaccine phòng ngừa bệnh này, mặc dù cho đến nay Mỹ đã thoát khỏi dịch.Theo đó, vaccine được thử nghiệm tại Việt Nam, nơi dịch tả lợn luôn là mối đe doạ thường trực. Vaccine không thể được phát triển ở Mỹ bởi không có virus ở quốc gia này.

Trong một thông tin có liên quan, WOAH cho biết trong một báo cáo thường kỳ rằng kể từ năm 2021, dịch tả lợn đã được báo cáo ở gần 50 nước và gây ra cái chết cho khoảng 1,3 triệu con lợn.

Tuy nhiên, hiện không có đợt bùng dịch nào lớn, song vẫn có khả năng dịch có thể lây lan, đặc biệt là ở Trung Quốc, khi bệnh này vẫn là một trong những rủi ro hàng đầu đối với ngành thịt lợn toàn cầu.

Người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, các nhà nghiên cứu của bộ đã xem xét kết quả của một trong những loại vaccine, NAVET-ASFVAC, được họ hợp tác phát triển với Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương của Việt Nam là NAVETCO.

Sau khi vaccine cho thấy mức độ hiệu quả cao và không có rủi ro về an toàn trong các cuộc thử nghiệm, 600.000 liều đã được phê duyệt để bán lần đầu cho người chăn nuôi lợn ở Việt Nam, trong đó, 40.000 liều đầu tiên “đã được giao mà không có bất kỳ vấn đề nào về tính an toàn”, USDA cho biết.

ĐNAVET-ASFVAC là một loại vaccine virus sống giảm độc lực, giống như vaccine được sử dụng trong tiêm chủng định kỳ cho trẻ em trên toàn thế giới.

Vaccine thứ hai được thử nghiệm tại Việt Nam là AVAC ASF LIVE, được phát minh bởi các nhà nghiên cứu Mỹ và được thương mại hoá bởi công ty AVAC của Việt Nam.

Đan Lê (Lược dịch từ CNN)