leftcenterrightdel
 Công tác quan trắc góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sống

Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt ĐTM) là 1 trong 4 công cụ quản lý môi trường hiện nay, cùng với 3 công cụ: thanh kiểm tra, kiểm soát; xử lý ô nhiễm và quan trắc. Công cụ này đã từng bước phát huy hiệu quả trong việc cảnh báo, dự báo, quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường (BVMT).

Tại Thừa Thiên Huế, công tác thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án (DA) đầu tư luôn cần thiết. Công tác này luôn được thực thi nghiêm túc để xem xét, đánh giá, rà soát các DA đầu tư. Đây cũng là công cụ quan trọng trong quá trình sàng lọc để tổng hợp đầy đủ dữ liệu tham mưu cho các cấp lãnh đạo đưa ra quyết định cuối cùng lựa chọn DA đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với xu hướng thế giới, góp phần BVMT hướng tới phát triển bền vững…

ĐTM là một công cụ phổ biến, nhằm thực hiện dự đoán, xác định, đánh giá và đưa ra các biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực tiềm tàng từ các DA đầu tư đối với môi trường và xã hội trước khi đưa ra những quyết định, cam kết quan trọng đối với các DA phát triển tại địa phương.

Thời gian qua, công tác thẩm định báo cáo ĐTM thường xuyên được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chú trọng, không ngừng tăng cường nâng cao chất lượng và cải cách hành chính trong công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các chương trình trọng điểm, các DA đầu tư nhằm phòng ngừa các tác động bất lợi đến môi trường, ảnh hưởng quá trình phát triển KT-XH của địa phương ngay từ khâu cấp phép đầu tư.

Thông qua kết quả ĐTM, việc giám sát công tác BVMT đối với các DA trọng điểm đã được tiến hành một cách chặt chẽ. Cũng thông qua công cụ ĐTM đã đưa ra cảnh báo về những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái của một số DA, thông báo và yêu cầu chủ DA phải có giải pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, qua thẩm định, đánh giá, đã có một số DA đầu tư ở địa phương phải thay đổi địa điểm hoặc bị từ chối vì lý do không đảm bảo các yêu cầu về BVMT.

Gần 3 thập niên qua, trên địa bàn tỉnh có gần 1 nghìn dự án đã được thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM. Trong đó, giai đoạn từ năm 1995 đến tháng 7/2006 có 128 dự án (Luật BVMT năm 1994); từ tháng 7/2006 đến cuối tháng 12/2014 có 368 dự án (Luật BVMT năm 2005); từ tháng 1/2015 đến 25/10/2021 có 253 dự án (Luật BVMT năm 2014)… Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu thẩm định và phê duyệt hàng chục báo cáo ĐTM của các DA đầu tư, góp phần đáp nhu cầu phát triển của địa phương. Với kết quả này, Sở TN&MT tổ chức khảo sát thực địa trước khi hội đồng họp đối với các DA nhạy cảm, nằm trong khu dân cư; mời các chuyên gia kinh nghiệm về môi trường tham gia phản biện; phản biện độc lập đối với các dự án nhạy cảm...

Hướng tới mục tiêu phát triển KT-XH bền vững, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, đẹp, tạo được sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và BVMT; kết hợp tốt các yêu cầu về BVMT trong các quy hoạch, chương trình trọng điểm, các DA phát triển, ngoài thẩm định ban đầu, ngành TN&MT tăng cường công tác hậu kiểm các báo cáo ĐTM, đề án BVMT/phiếu xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường/cam kết BVMT; nhất là kế hoạch giám sát đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hiện đang có nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn…

Bài, ảnh: SONG MINH