leftcenterrightdel
 Bệnh sốt chikungunya do muỗi Aedes truyền gây sốt và đôi khi làm suy nhược cơ thể. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo AFP, hiện tại không có vaccine hoặc phương pháp điều trị nào đối với bệnh chikungunya do virus gây ra với các triệu chứng viêm khớp, gây sốt và đôi khi làm suy nhược cơ thể, mặc dù nó hiếm khi gây tử vong.

Hãng dược Valneva cho biết vaccine tiềm năng này, được gọi là VLA1553, là vaccine đầu tiên được các cơ quan y tế xem xét sau khi nộp đơn xin phê duyệt ở Mỹ và Canada.

Thử nghiệm giai đoạn ba ngẫu nhiên, có đối chứng giả dược nhằm tìm hiểu vaccine sống giảm độc lực (tức sử dụng một dạng virus đã bị làm yếu) có thể tạo ra phản ứng miễn dịch ở mức độ nào. Và theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, trong số 266 người được tiêm vaccine, 263 người – tương đương 99% – đã phát triển các kháng thể có thể vô hiệu hóa virus chikungunya.

Trong một cuộc thử nghiệm rộng rãi hơn trên 4.100 người trưởng thành khỏe mạnh, loại vaccine tiêm một lần này của Valneva được đánh giá “nhìn chung là an toàn” với các tác dụng phụ tương tự như các loại vaccine khác. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 2 người xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến vaccine, và cả hai đều bình phục hoàn toàn sau đó.

Bà Martina Schneider, Giám đốc chiến lược lâm sàng của Valneva và là tác giả chính của nghiên cứu, gọi kết quả là “đầy hứa hẹn”.

“Đây có thể là vaccine chikungunya đầu tiên dành cho những người sống ở vùng lưu hành bệnh, cũng như cho khách du lịch đến vùng lưu hành hoặc khu vực có nguy cơ bùng phát sắp tới”, bà Schneider nói trong một tuyên bố.

Mặc dù kết quả được ca ngợi là “tin tốt” trong cuộc chiến chống chikungunya, nhưng thử nghiệm được thực hiện trên những người đang sinh sống ở Mỹ, nơi virus chikungunya rất hiếm gặp, do đó các chuyên gia cho rằng vẫn cần phải nghiên cứu thêm nữa đối với vacccine này.

Trước đó, các chuyên gia y tế công cộng đã bày tỏ lo ngại rằng chikungunya có thể là “một mối đe dọa đại dịch tiềm ẩn trong tương lai” khi biến đổi khí hậu đẩy muỗi Aedes truyền bệnh lan sang các khu vực mới.

Tiến sĩ Kathryn Stephenson, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Mỹ, cho biết nghiên cứu mới này là “tin tốt cho việc chuẩn bị cho đại dịch virus chikungunya”.

Tuy nhiên, vaccine có thể kém hiệu quả hơn ở những khu vực đã có sẵn khả năng miễn dịch đối với chikungunya, điều vẫn thường có thể xảy ra với những mũi tiêm giảm độc lực trực tiếp, Tiến sĩ Stephenson nói thêm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi chikungunya lần đầu tiên được xác định ở Tanzania vào năm 1952, virus này đến nay đã được ghi nhận ở hơn 110 quốc gia trên thế giới, với các đợt bùng phát không thường xuyên nhưng nghiêm trọng diễn ra ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ.

Hãng dược Valneva cho biết Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể đưa ra quyết định phê duyệt vaccine VLA1553 vào cuối tháng 8 tới, đồng thời công ty cũng đang thử nghiệm vaccine cho thanh thiếu niên ở các vùng của Brazil - nơi virus lưu hành.

Tiến sĩ Stephenson khẳng định việc thử nghiệm ở Brazil và các nghiên cứu sâu hơn được tiến hành trong các đợt bùng phát chikungunya thực tế là “rất quan trọng” để xác định hiệu quả của vaccine.

Được biết, bên cạnh vaccine VLA1553 của Valneva, một ứng cử viên vaccine chikungunya khác do công ty Công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch phát triển cũng đang trải qua thử nghiệm giai đoạn ba.

BẢO NGHI (Lược dịch từ AFP)