Ông Ánh (phải) và Thiếu tá Thuận cùng cái bắt tay "cam kết" đồng lòng vì người dân |
Khi chưa gặp mặt ông Nguyễn Ánh, tôi đã “biết” thôn trưởng thôn 6 qua sự tấm tắc của nhiều người dân trên địa bàn, rằng ông Ánh “giữ chức” thôn trưởng liền mấy chục năm qua, bởi vì dân không cho ông nghỉ. Người trưởng thôn gần gũi, biết thông cảm, sẻ chia, làm điều gì cũng nghĩ đến cái lợi cho dân, cho cộng đồng.
Những người cao tuổi ở thôn 6 nói riêng và ở xã Vinh Thanh nói chung, thường nhắc đến hình ảnh ông Nguyễn Ánh - “người thầy không bục giảng”, hàng đêm cần mẫn đi dạy xóa mù chữ, trong những năm sau giải phóng.
Suốt 3 năm ròng 1977-1978-1979, ngày nào cũng vậy, dù mùa hè nóng nực hay mùa đông mưa rét, người thanh niên trẻ tuổi chờ khi mọi nhà đã xong bữa cơm tối, bắt đầu đến với các gia đình trong xóm chài ven biển. Ở đó có những người đàn ông, phụ nữ nghèo, lam lũ mưu sinh, chưa từng biết “mặt chữ”; cũng không ít những đứa trẻ không đến trường. Bên ngọn đèn dầu, anh thanh niên Nguyễn Ánh cặm cụi dạy cho họ từng chữ cái, dạy đánh vần, dạy viết. Nhiều ngư dân ăn sóng ngủ gió, trụ cột cho cả gia đình, nhưng lại thường “đánh rơi” chữ. Hôm nay nhớ, mai lại quên. Ông Ánh vẫn nhẫn nại theo cho đến cùng. “Có người khi viết được tên, ký tên mình, xúc động, mừng rơm rớm nước mắt. Lúc đó, tui cũng xúc động và mừng y như vậy”, ông Ánh nhớ lại.
Thiếu tá Nguyễn Giang Thuận (nay là Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phong Hải), người đã từng sát cánh cùng ông Nguyễn Ánh trong công tác vận động người dân, đong đầy sự yêu mến, trân trọng đối với thôn trưởng thôn 6. “Sau bão thường có nhiều cá; nhiều ngư dân chủ quan không kéo thuyền và ngư lưới cụ lên cao, để tiện ra biển đánh bắt ngay, sau khi bão tan. Nhiều trường hợp “gật đầu” khi nghe tuyên truyền, vận động, nhưng thực tế vẫn không chấp hành. Ông Ánh luôn tâm niệm, bằng mọi cách phải đảm bảo tài sản của dân. Nếu ngư lưới cụ bị sóng kéo ra biển, bị xô đập rách hoặc trôi mất, là thiệt hại rất lớn. Vậy là chúng tôi đội mưa gió chạy lui chạy tới nhiều lần để thuyết phục, đồng thời xắn tay giúp, đảm bảo an toàn cho ngư dân và tài sản của họ trước, trong và sau bão”, Thiếu tá Nguyễn Giang Thuận kể.
Khi thực hiện vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền của để xây dựng con đường bê tông đầu tiên của Vinh Thanh (đường liên xã), dù cuộc sống lúc đó còn rất nhiều khó khăn, nhưng lúc thôn trưởng Nguyễn Ánh cùng cán bộ các đoàn thể và người cao tuổi có uy tín trong thôn “mở lời”, người dân thôn 6 sẵn lòng chung tay đóng góp. Chưa đủ kinh phí, thì ông Ánh lặn lội về thôn An Bằng (xã Vinh An) nơi có nhiều con cháu của thôn 6 đến lấy vợ, lấy chồng, sinh sống, để vận động đóng góp, sẻ chia. Với sự tín nhiệm dành cho thôn trưởng, với tình cảm, trách nhiệm dành cho quê hương, người dân thôn 6 tiếp tục nghe theo vận động, chung tay đóng góp, để bây giờ hầu hết hệ thống đường bê tông, điện chiếu sáng đã “phủ” khắp trong thôn.
Ông Đỗ Mãi, Trưởng ban Công tác mặt trận và ông Nguyễn Rô, Bí thư Chi bộ thôn 6 chia sẻ: Ông Nguyễn Ánh cùng họ xây dựng nên sức mạnh đoàn kết; cùng vận động người dân thực hiện hiệu quả các phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội; một trong những điều “ngoạn mục” nhất là đã vận động ngư dân mạnh dạn đầu tư tàu đánh bắt xa bờ, cải tiến ngư lưới cụ, chuyển đổi nghề đánh bắt để đạt hiệu quả cao trong khai thác biển.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Thanh, với sự tận tâm, chu đáo, trách nhiệm, thôn trưởng thôn 6 đã thực hiện nhiệm vụ của mình rất hiệu quả; xây đắp được uy tín vững chắc trong lòng người dân trên địa bàn. Hỏi ông nghĩ như thế nào khi dân “không cho nghỉ” làm trưởng thôn, ông Nguyễn Ánh cười hết cỡ: “Khi Đảng cần dân muốn, thì tui không thoái thác nhiệm vụ; còn sức còn làm cho dân”.