leftcenterrightdel
San hô ở Đảo Ngọc khá cạn (vùng khoanh) cần được bảo vệ để khai thác bền lâu. Ảnh: Nguyễn Phong 

Từng đến, trải nghiệm ở lại qua đêm, lặn ngắm san hô và dọn rác ở Đảo Ngọc nên theo Nguyễn Tấn Anh Phong, việc đưa đảo ngọc vào tour du lịch để khai thác là hợp lý. Bởi Đảo Ngọc giữ được vẻ đẹp hoang sơ, nhất là rạn san hô cạn phong phú, đẹp mắt. Ở đảo còn có rất nhiều loài cá đẹp không thua gì các bãi, rạn san hô ở Hòn Khô ở Bình Định hoặc một số bãi biển đẹp ở nước ngoài. Tuy vậy, khai thác phải gắn với bảo vệ, nhất là rạn san hô và môi trường xung quanh. Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của san hô và các loài động, thực vật biển.

Với đặc thù bãi cạn, tầm chưa tới thắt lưng là có thể chạm tới san hô nên nếu không chú ý sẽ dễ dẫn đến dẫm đạp khiến san hô gãy, chết. Do đó, cần sớm khoanh vùng bảo vệ. Việc lặn ngắm san hô chỉ nên tổ chức ở những bãi sâu hơn một chút, không để tạo ra bất kỳ tác động nào ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của san hô. Ở một số bãi cạn có san hô, người ta khai thác du lịch bằng cách chèo thuyền ngắm cảnh, không sử dụng ca nô vì sẽ tạo ra sóng lớn dễ đánh gãy ngã san hô.

Nhiều lần đến Đảo Ngọc, Anh Phong cho biết, đa số người dân đến đây theo phương tiện tự túc. Có thể thuê thuyền đánh cá hoặc ca nô. Tuy nhiên, cách này thiếu chuyên nghiệp dễ ảnh hưởng đến môi trường do thiếu các dịch vụ lưu trú, ăn ở... nên một bộ phận du khách thiếu ý thức vẫn còn xả rác bừa bãi. Có người còn lấy san hô đem về nhà. Rất may là lực lượng chức năng đã phát hiện và tịch thu trả về môi trường tự nhiên.

Để hạn chế đến mức tối thiểu những ảnh hưởng, tác động đến môi trường, cảnh quan sinh thái của Đảo Ngọc, đồng thời tạo thêm điểm đến hấp dẫn cho Huế, ngoài sớm đưa vào khai thác, cần có những quy định cụ thể để bảo vệ môi trường cũng như tăng cường quảng bá về Đảo Ngọc để thu hút du khách trong và ngoài nước.

H. Tâm