Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo |
Văn hóa là cốt lõi để khởi nghiệp
Dẫn đề hội thảo, TS.Hồ Thắng chia sẻ, Thừa Thiên Huế được đánh giá là vùng đất có dư địa hấp dẫn để đầu tư khai thác phát triển kinh tế -xã hội trên các lĩnh vực; trong đó mạch nguồn văn hóa cố đô Huế là thị trường tiềm năng.
Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với quan điểm, định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Với định hướng phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, văn hoá, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách đột phá và môi trường thông thoáng nhằm phát huy tiềm năng, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, du lịch, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, đặc biệt là phát triển tài nguyên bản địa là cơ hội để các doanh nghiệp trong, ngoài nước khởi nghiệp ĐMST.
Năm 2016, hệ sinh thái Cố đô Khởi nghiệp của tỉnh khởi động và phát huy hiệu quả. Sau 5 năm, tỉnh đã phê duyệt Đề án Cố Đô khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 nhằm cụ thể hóa bằng các chương trình, hoạt động hỗ trợ thiết thực nhất cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; trong đó chú ý các ý tưởng, dự án về lĩnh vực văn hoá, khai thác nguồn tài nguyên bản địa góp phần phát triển kinh tế, tạo thu nhập từ văn hóa; đồng thời là một công cụ hữu hiệu để bảo tồn, lưu giữ và quảng bá văn hóa truyền thống.
Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, Founder & CEO Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại dịch vụ Xưa Huế (Giày Xưa Huế) chia sẻ, qua nghiên cứu định hình sản phẩm Giày Xưa của doanh nghiệp được sáng tạo “nhuốm" bản sắc văn hóa Cố đô Huế đến nay đã được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng. Thành công của Giày Xưa Huế hôm nay nhờ người chủ sáng tạo, cần mẫn và chịu khó “thổi hồn” văn hóa Việt vào sản phẩm của mình.
Không chỉ Giày Xưa Huế, nhiều sản phẩm hiện nay, như Gia vị Bún bò Huế, sản phẩm Atiso đỏ, sen Huế, Tranh hoa giấy Maypaper, Sâm Bố Chính... đã thành công nhờ kết nối nguồn lực đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa bản địa. Chính những sản phẩm này đã đạt giải cao tại các cuộc thi vùng, quốc gia về khởi nghiệp để rồi sản phẩm vươn đến thị trường Mỹ, châu Âu (đạt tiêu chuẩn FDA)...
Bà Dương Tường Nhi, Trưởng làng Tư duy thiết kế ĐMST chia sẻ hoạt động khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa bản địa |
Cần tiếp sức từ cơ chế chính sách
Nhiều ý kiến chia sẻ tại hội thảo, bất kỳ một dự án, công trình muốn khởi nghiệp hay phát triển kinh doanh thành công cần khai thác yếu tố nền tảng giá trị văn hóa bản địa. Muốn vậy bên cạnh nỗ lực từ mô hình khởi nghiệp, doanh nghiệp vẫn chưa đủ mà các ban, ngành quản lý cần quan tâm hỗ trợ cơ chế chính sách, kiến tạo môi trường, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN và ĐMST trong các lĩnh vực nói chung và văn hoá nói riêng thông qua các dự án, chương trình KHCN. Cụ thể là đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu; hợp tác, thu hút nguồn lực xã hội, kết nối nguồn lực chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, tìm kiếm ý tưởng, đặt hàng nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực văn hoá.
Các chuyên gia đến từ Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, Làng công nghệ Du lịch-Ẩm thực… ghi nhận và đánh giá cao nhiều sản phẩm mang yếu tố văn hóa truyền thống Huế trở thành thương hiệu du lịch đặc sắc, như Huế Kinh đô ẩm thực, Huế kinh đô áo dài….; các thương hiệu làng nghề truyền thống, như: Đệm bàng Phò Trạch, gốm Phước tích, Hoa giấy Thanh Tiên; tinh hoa Đông y gắn với tri thức bản địa, phát triển dược liệu… đã, đang trở thành trung tâm công nghiệp sáng tạo Việt Nam.
TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế số Việt Nam chia sẻ, để thúc đẩy phát triển ĐMST trên nền tảng văn hóa hiện nay cần phải chuyển đổi số. Xã hội đang vào thời kỳ công nghệ thông minh, một xã hội tích hợp giữa không gian thực và ảo, lấy con người làm trọng tâm để phát triển phù hợp, hiệu quả với môi trường công nghệ văn minh hiện đại.
TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, qua hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết từ nhiều chuyên gia, doanh nhân, đặc biệt có doanh nghiệp lần đầu đến Huế và yêu văn hóa Huế. Đây cũng là dịp chia sẻ kinh nghiệm "bí quyết" kinh doanh và kết nối tinh thần ĐMST vùng miền Trung phát triển. Qua đó sẽ tạo thêm năng lượng tích cực cho các doanh nghiệp, cũng như kỳ vọng Thừa Thiên Huế tiếp tục có thêm nhiều mô hình khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh phát triển có thương hiệu, lan tỏa, vươn tầm.