leftcenterrightdel
Món thịt vịt luộc 

Nhớ năm ấy nhà chuyển hướng không ăn vịt cỏ mà dùng vịt xiêm. Mạ góa con côi, mạ phải kiêm luôn phần chọc tiết, nhổ lông vịt, mổ thịt… So với vịt cỏ, con vịt xiêm to khỏe hơn hẳn. Mạ chọc tiết rồi mà vịt ta vẫn vùng dậy chạy quanh nhà, máu me đầm đìa thật đáng sợ. Chưa hết, đem trụng nước sôi để nhổ lông, trú trớ thế nào, chú vịt xiêm đạp tung tóe. Mạ bị bỏng, không chỉ ở tay chân mà còn bị luôn ở mặt. May mà không quá nặng nhưng buổi trưa Mùng Năm hôm đó, miếng thịt vịt xiêm nhà tôi dai cứng và chán ngắt.

Tết Mùng Năm còn có tên là tết Đoan Ngọ, hay tết Đoan Dương, được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. "Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Lúc còn nhỏ tôi cứ băn khoăn khi nghe ngoại bảo là ta ăn tết Mùng Năm theo người Tàu gắn với cái chết của nhà thơ Khuất Nguyên. Vậy nhưng, tôi lại thấm thía khi có ai đó gọi đây là cái “tết diệt sâu bọ” với ý nghĩa đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.

Mùng 5 tháng 5 Âm lịch là thời điểm miền Trung và Huế mình nắng gắt. Gieo cấy vụ mùa cơ bản xong xuôi. Đó là lúc cây lúa ngoài đồng bén rễ, và hơn lúc nào hết, luôn cần tới sự chăm sóc của nông phu. “Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Cây lúa lên xanh và sâu bọ cũng theo đó mà sinh sôi, phá hoại. Vậy nên, ăn tết Mùng Năm là để bước sang giai đoạn mới, tập trung chăm sóc lúa và phòng trừ sâu bệnh.

Có lắm chuyện để nhớ về Tết Mùng Năm. Không tính ăn uống, còn nữa với nào chuyện hái lá Mùng Năm với niềm tin bất kỳ loại lá cây nào cũng trở thành vị thuốc quý. Lá Mùng Năm mọc quanh nhà chứ không khó tìm như lá diêu bông mà vị nhạc sĩ nào đó từng sáng tác. Nào là tìm bắt con thằn lằn. Mùng Năm lạ lắm, thằn lằn với côn trùng trong nhà chạy trốn đâu mất tiêu, tìm hoài không ra, trong khi đó ngày thường nhiều vô số còn chạy cắn đuôi nhau trên tường nhà. Vậy nên, nếu giữa trưa Mùng Năm mà bắt được con thằn lằn thì hơn cả… trúng số. Bỏ nó vào chậu thau, đổ nước và bê ngay ra giữa sân tắm còn có tác dụng hơn cả lá Mùng Năm. Đó là tôi nghe người ta bảo thế.

Trở lại với chủ đề chính là bữa ăn trưa Mùng Năm. Đúng nghĩa bữa cơm Mùng Năm, phải có thịt, chè (chè kê ăn kèm bánh tráng), bánh tro, xôi, cây trái và cả đồ uống. Xưa ở làng, nhà nào dù khó khăn đến mấy cũng không thể thiếu món thịt vịt đã từng làm khổ mạ tôi. Lại nhớ dạo ấy, từ con vịt nhà nuôi, mạ tôi chế biến ít nhất được 3 món: Thịt vịt luộc (chấm nước mắm gừng), thịt vịt nấu cháo và thịt vịt kho. Sau này nhà có dâu rể, có thêm món tiết canh vịt. Còn nữa, bữa cỗ Mùng Năm đầy đủ và sang trọng còn có thêm món thịt vịt quay, gỏi vịt, vịt tiềm thuốc Bắc…

Vịt tên trong sách thuốc cổ là “Gia Áp”, có nơi gọi là Gia Phù, cũng còn gọi là Vụ. Vào ngày Tết Mùng Năm, khí trời nóng nực, nhiệt độ cao. Thịt vịt theo Đông y lại có tính chất mát, ngọt, có tác dụng làm chuyển động phong huyết và làm tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lao lực, lao tâm nhiều. Vậy nên, chọn vịt làm thức ăn là không có chi bằng. Đó là món ăn có thể để cân bằng nhiệt, bổ thân thể và sâu xa hơn là niềm tin tâm linh truyền thống, ăn vịt để xả xui.

Vịt nhà theo kiểu “tự cung tự cấp” dù béo, nhưng vẫn không ngon bằng vịt chạy đồng. Đó mới đích thị là vịt Mùng Năm. Bao quanh làng tôi ở Hương Thủy là những cánh đồng làng. Chừng một tuần trước ngày Mùng Năm ở chợ làng là chợ Hôm quê tôi đã rộn ràng tiếng vịt kêu, đó là lúc các chủ vịt “xả hàng”. Mấy tháng liền chăn thả trên đồng, đến thời điểm này, con vịt trở nên béo hơn và chắc hơn và không còn mùi hôi nữa. Đặc biệt, thịt thơm lừng và đầy chất, vì no tròn bởi lúa rơi vãi, ốc, cua và cả cá tép giao thời mùa gặt.

Tết Mùng Năm đang đến rất gần. Cùng với bao gia đình ở phố rạo rực về quê, cùng mạ ăn bữa cỗ Đoan Ngọ thật vui vẻ, tôi chợt xốn xang khi nghe ai đó hỏi nhau “Đã mua vịt Mùng Năm chưa?” 

Đan Duy