leftcenterrightdel
Tuyên truyền giảm phát thải nhựa ra môi trường, sông, đầm, biển là giải pháp được nhóm đề tài đề xuất  

Đề tài được giao thực hiện nhằm đánh giá  hiện trạng ô nhiễm vi nhựa trong một số loại thủy sản đánh bắt và tiêu thụ ở Thừa Thiên Huế; xây dựng các quy trình phân tích và xác định các loại vi nhựa trong các loại động vật thủy sinh khác nhau như động vật thân mềm hai mảnh vỏ, động vật giáp xác và các loại cá. Nội dụng nghiên cứu của đề tài cũng xác định được tình trạng nhiễm bẩn vi nhựa trong một số loại thủy sản ở Thừa Thiên Huế và ước tính được nguy cơ đối với người tiêu thụ, đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp can thiệp.

Qua nghiên cứu, phân tích, nhóm thực hiện đề tài chỉ ra rằng, khi so sánh hàm lượng vi nhựa trên từng cá thể thì hàm lượng vi nhựa trong các loài cá ở Thừa Thiên Huế có giá trị ở mức trung bình thấp so với các nghiên cứu trên thế giới. So sánh hàm lượng vi nhựa trong tôm, cá và hai mảnh vỏ được thu thập ở Thừa Thiên Huế với số liệu được báo cáo trên khắp thế giới cho thấy lượng vi nhựa được tìm thấy trong các mẫu tôm ở Thừa Thiên Huế xấp xỉ hoặc thấp hơn các mẫu tương tự được báo cáo ở Singapore, Mexico, Úc và Bangladesh.

Tuy nhiên, lượng vi nhựa tìm thấy trong các loài thủy hải sản ở nghiên cứu này lại cao hơn các nghiên cứu tương tự ở Iran, Ấn Độ, Trung Quốc. Đơn vị chủ trì cũng đề xuất một số khuyến nghị và đưa ra nhóm giải pháp can thiệp về quản lý vi nhựa trong thủy sản, về cơ chế, chính sách, về kỹ thuật, quản lý, truyền thông giáo dục... 

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao công trình nghiên cứu của nhóm thực hiện. Việc đánh giá hiện trạng ô nhiễm vi nhựa giúp có cái nhìn tổng quát trong tỉnh cũng như nhận định tình hình ô nhiễm có bất thường hay đáng lo ngại trong mặt bằng chung của thế giới. Đồng thời, việc đánh giá hiện trạng ô nhiễm vi nhựa sẽ giúp chúng ta có những chiến lược hợp lý trong việc nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giảm phát thải chất thải nhựa.

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG