Chị Vẫn bên sản phẩm thô làm dưa món, mắm..., chuẩn bị xuất bán |
Tôi từng ấn tượng với chị Vẫn, khi người phụ nữ nông dân mộc mạc bước lên bục vinh danh tuyên dương điển hình tiên tiến trong SXKD giỏi do UBND huyện Phú Vang tổ chức, tại chương trình lễ hội “Phú Vang hương sắc đầm phá biển khơi” dịp cuối tháng 4/2023. Với mô hình thu mua và chế biến nông sản; vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn, chung tay xây dựng quê hương phát triển, nhiều năm liền, chị Vẫn đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp; được UBND xã Phú Diên và Hội Nông dân các cấp tặng giấy khen, bằng khen. Nhưng người dân địa phương lại gọi bằng cái tên “đặc trưng” mộc mạc bằng sự trân trọng: “Chị Vẫn mắm ruốc”.
Điện thoại liên hệ từ sáng sớm, nhưng mãi lúc giữa trưa đứng bóng, cuộc gặp mới được “chốt”, bởi chị Vẫn bận rộn “như con thoi”. Bây giờ, cơ ngơi của gia đình chị Vẫn là nhà cửa khang trang; xưởng sản xuất với số lượng hàng hóa trị giá tầm 10 tỷ đồng; có 3 xe tải để vận chuyển hàng. “Số lượng hàng hóa mỗi ngày buôn vào bán ra khoảng 10-20 tấn. Hiện, trong kho có khoảng 500 tấn hàng. Ngoài 5 lao động thường xuyên (lái xe và một số công việc ổn định), chúng tôi cung cấp việc làm cho từ 10 đến 100 lao động, tùy theo thời vụ, số lượng hàng hóa” - chị Vẫn cho biết.
Chủ doanh nghiệp tư nhân Lập - Vẫn, nhưng chị Vẫn bao giờ cũng kể về những ngày buôn bán “cò con” gian nan, đẫm mồ hôi, một cách trân trọng. 20 năm trước, trong tay chỉ có chiếc xe đạp cà tàng, hằng ngày chị Vẫn dậy từ 3 giờ sáng, đạp xe đi về tầm 7 - 8 chục cây số, lên chợ Đông Ba, chợ đầu mối ở TP. Huế mua tầm 2 tạ trái cây, bán dạo dọc đường về. 2 giỏ lớn nặng trĩu, khi về đến thôn Kế Sung là vừa nhẹ bẫng. 4 năm ròng vất vả như vậy, ngoài trang trải cuộc sống, chị Vẫn tích cóp mua được chiếc xe máy. Vẫn tiếp tục chặng đường Phú Diên - Đông Ba - chợ đầu mối, buôn trái cây, nhưng bây giờ chị Vẫn mua các nông sản của Phú Diên như ớt, đu đủ, đậu phụng, mía…, lên phố bán. Tích lũy được một số vốn kha khá, người nữ nông dân chăm chỉ, năng động, dám nghĩ dám làm và có đầu óc nhạy bén, đầu tư mở xưởng, sắm xe ô tô để phục vụ việc thu mua, chế biến nông sản.
Đu đủ tươi sau khi được gọt vỏ, xắt lát mỏng, phơi khô, chị Vẫn nhập hàng thô cho các mối ở chợ Đông Ba, để chế biến dưa món, mắm đu đủ. Ngoài ra, chị Vẫn thu mua nguyên liệu, sản xuất ra các mặt hàng ớt bột, ớt tương, nước ớt, ruốc, mắm cá rò… Tất cả sản phẩm, chị Vẫn đều bỏ sỉ; các mối hàng lâu năm mua về đóng chai, vào thẩu phân phối, bán lẻ.
“Tôi thành lập doanh nghiệp tư nhân Lập - Vẫn đã nhiều năm và phát triển mạnh nhất là những năm gần đây. Doanh thu mỗi năm tầm 10 tỷ đồng, nhưng trừ mọi chi phí, tiền công cho người lao động (dao động từ 5- 10 triệu đồng mỗi tháng, tùy công việc và năng lực), còn lãi ròng tầm 1 tỷ đồng” - điều mà chị Vẫn mong muốn nhất là được chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện, cho thuê đất thời hạn lâu dài, để hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh và bền vững hơn. “Nếu được tạo điều kiện cho thuê đất lâu dài, ngoài bỏ hàng sỉ cho các mối hàng, chúng tôi sẽ thực hiện đến cả công đoạn đóng bao bì, phân phối bán lẻ. Chắc chắn, sẽ tăng số lượng người lao động trên địa bàn có việc làm, tăng thu nhập” - chị Vẫn nói.
Theo ông Hoàng Văn Vy, Chủ tịch UBND xã Phú Diên: Địa phương không có thẩm quyền nên không cho thuê đất; thời gian qua tạo điều kiện để chị Vẫn tạm thời sản xuất tại một cơ sở như hiện nay. Tín hiệu vui là, xã Phú Diên đang quy hoạch cụm công nghiệp diện tích 40ha; sẽ bắt đầu triển khai vào đầu tháng 9/2023, theo Nghị quyết của Huyện ủy Phú Vang. Sau khi cụm công nghiệp đi vào hoạt động, cơ sở của doanh nghiệp Lập - Vẫn sẽ được tạo điều kiện đưa vào, sản xuất lâu dài.