leftcenterrightdel
Phát triển điện mặt trời trên mái nhà đang là xu thế hiện nay. Ảnh: NG. THỦY 

Sau nhiều năm nguồn điện cung ứng ổn định thì năm nay, chúng ta cảm nhận rõ cái “thời nhà đèn” trong thời kỳ bao cấp – cúp điện luân phiên. Thời điểm căng thẳng nhất ở Hà Nội có tờ báo còn chạy tít: Lịch cúp điện ở Hà Nội… dài đến 4 trang. Hết sức giễu nhại. Trong thời buổi thiếu điện mới biết nguyên nhân thủy điện thì thiếu nước, nhiệt điện thì thiếu than. Thiếu nước thì do… trời, nhưng để thiếu than cho nhiệt điện rõ ràng là do con người. Để khi thiếu mới biết thiếu nó cho thấy một sự thiếu chủ động.

Giờ thì ông Hải cho biết “cơ bản không thiếu điện”. Chúng ta hiểu hai chữ “cơ bản” ở đây là như thế nào? Điện chứ không phải là cái gì, đủ công suất thì bóng đèn đỏ, thiếu công suất thì độ sáng của bóng đèn mờ, thậm chí là không sáng. Các thiết bị sử dụng điện khác cũng vậy. Cơ bản là như thế nào? Có phải là chưa chắc chắn lắm, tức là nói chung là đủ, nhưng cũng có thể thiếu? Nếu đúng như vậy thì đó là điều mà người dân và doanh nghiệp (DN) không mong đợi.

Nguồn điện của Việt Nam phụ thuộc một phần vào thủy điện. Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết ngày càng cực đoan. Thời tiết nắng nóng ngày càng khốc liệt. Nguồn nước cho thủy điện trong tương lai có thể tái diễn việc hụt mực nước là điều chúng ta có thể dự đoán được. Tính toán nguồn điện nào để bù đắp là việc làm cấp thiết. Nếu GDP tăng trưởng tốt thì cũng đồng nghĩa nhu cầu điện tăng theo cao, không hề có chuyện giảm.

Việt Nam có một nguồn năng lượng tái tạo hết sức dồi dào. Khai thác tốt nguồn này sẽ chủ động được một phần thiếu hụt.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang dự thảo cơ chế, chính sách phát triển điện mái nhà để tự sản tự tiêu. Nếu mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà đạt được thì chúng ta đã tận dụng được một nguồn năng lượng trời cho.

Nhìn ở khía cạnh này chúng ta sẽ thấy, ngoài thu được một nguồn năng lượng tái tạo nó sẽ thúc đẩy một ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển. Nếu Việt Nam tự chủ được công nghệ của ngành này và cạnh tranh được mang tầm quốc tế thì nó sẽ tạo ra cho Việt Nam một nguồn kinh tế không hề nhỏ. Công ăn việc làm cho người dân cũng từ đó mà ra. Vấn đề là xem xét thật kỹ lưỡng về những tác động môi trường. Nếu chúng ta không đánh giá đúng chuyện thiệt hơn nó có thể tạo thêm áp lực về môi trường. Hơn nữa cũng cần nghiên cứu để sử dụng nguồn điện này hợp lý. Chẳng hạn như trong dự thảo của Bộ Công thương, bộ đã đưa ra đề xuất khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà nhưng chỉ dành cho hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Nếu không bán thì có nên có quy định cho sự hợp tác trong việc lắp đặt và sử dụng, kể cả việc cho phép nhà đầu tư. Chúng ta hình dung nếu có quy định như vậy sẽ mở rộng được nguồn huy động vốn.

Cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Mở thì dễ nhưng khi đóng lại không hề. Chuyện quản lý và vấn đề mỹ quan đô thị, đặc biệt là những đô thị du lịch cũng là những khía cạnh cần xem xét. Có thể nó có lợi về mặt năng lượng nhưng có hại về những khía cạnh khác. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguyên Lê