leftcenterrightdel
 La Chử hôm nay. Ảnh: Đăng Tuyên

Con đường thiên lý thượng đạo từ xưa xuyên qua làng, vượt Lựu Bảo rồi xuôi theo bờ Bắc sông Hương mà về Hóa Thành, lỵ sở phủ Triệu Phong (Lê Nguyễn Lưu - Văn khắc thời Tây Sơn ở Huế, in trong Cố đô Huế xưa và nay, NXB Thuận Hóa, 2005, tr.658). Nếu từ Bắc vào, ngang làng Văn Xá rẽ phải tới Khuê Chử (nay là Quê Chữ) độ cây số là tới địa phận La Chử, con đường thiên lý chạy dọc bờ hói, ra chợ rẽ trái, thẳng xóm Đá đến làng Bồn Phổ, Lựu Bảo rồi tới sông Hương. Chiều dài chừng 2 cây số nhưng con đường thiên lý chạy qua La Chử, theo dòng lịch sử, ghi dấu bao sự kiện gắn với sự hưng phế của nhiều triều đại.

 Đáng nói và đáng nhớ nhất là vua Hàm Nghi và tùy tùng đi trên con đường này, khi đó không còn là đường thiên lý thượng đạo nữa, ghé làng La Chử vào ngày 5/7/1885, nhằm ngày 23/5 năm Ất Dậu. Hay tin, các xóm làm lễ bái vọng nhà vua. Dẫu xuất bôn nhưng vua và đoàn tòng vong ghé làng là niềm tự hào, các làng khác không dễ có được. Đoàn rời đi, dân làng gánh nước ra đường bến tiếp tế.

 Biến cố đau buồn thuở ấy thu hút mọi người quan tâm tìm hiểu, trong đó có tôi, phân vân tự hỏi vua Hàm Nghi ở lại La Chử bao lâu!

 Tại Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim có đoạn: “Quân Pháp thấy bất thình lình nửa đêm quân ta đánh phá như vậy, chưa biết thế nào, chỉ yên lặng mà chống giữ. Đến sáng ngày 23 mới tiến lên đánh thì quân ta thua chạy. Nguyễn Văn Tường cho người vào điện tâu xin rước vua và các bà thái hậu tạm lánh lên Khiêm Lăng. Khi xa giá ra gần đến cửa hữu, thì gặp Nguyễn Văn Tường đã chực sẵn ở đấy để đi hộ giá, nhưng lệnh truyền cho Nguyễn Văn Tường ở lại để thu xếp mọi việc. Nguyễn Văn Tường vâng mệnh ở lại. Xa giá đi qua làng Kim Long, lên đến chùa Thiên Mụ thì Tôn Thất Thuyết đem quân chạy đến truyền rước xa giá đến Trường Thi… Vào nghỉ được một lát, thì Tôn Thất Thuyết lại giục lên đường, nói rằng quân Pháp đã sắp đuổi tới. Tối ngày 23, xa giá vào nghỉ nhà một người bá hộ, sáng ngày 24 ra đi, đến tối mới tới thành Quảng Trị. Quan tuần phủ Trương Quang Đản ra rước xa giá vào Hành cung và đặt quân lính để phòng giữ”. (NXB Văn học, 2015, tr.432-433).

 Xuất phát từ nhận định “Một trong những nhân vật lạ lùng nhất trong lịch sử Pháp - Nam chúng ta, nói không mâu thuẫn thì đó là nhân vật ông Hoàng Hàm Nghi”, ông A. Delvaux ở Dòng Thừa sai Paris đã ghi: “Ông Tường khởi sự tính biện pháp rút lui, ông đòi một long ỷ để hộ giá nhà vua đi, làm cho nhà vua tránh được bàn tay của quân Pháp. Tức khắc, ông Thuyết đến trước nhà vua, và ông đi đầu đoàn hộ giá. Nhà vua, các bà Hoàng Thái hậu, theo sau có quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, được hộ vệ với một toán lính có trang bị súng bắn liên thanh, rời Cung điện ra đi vào lúc bảy giờ sáng một ít. Đoàn hộ giá tòng vong ra khỏi Kinh thành bằng cửa Quảng Đức, lúc đó cửa còn chưa tắc nghẽn, đi ngược lên theo dọc sông Hương bằng cách đi ngang trước kho Mộc Thương cũ, trước cửa Chánh Nam hay Mirador V (Nhà Đồ) lên cầu Bạch Hổ và đi ngang trước chùa Thiên Mụ, sau đó đến nghỉ chân ở Trường Thi La Chử… Nhà vua rút vào ngồi đơn độc trong một góc, chỉ xuất hiện vào lúc lên đường… Vào khoảng 4 hoặc 5 giờ chiều, đoàn hộ giá tòng vong khởi sự tiến bước, có hơi hơi thiếu trật tự; đoàn đã mất sự liên kết với đội tiên phong của đoàn đến 2,3 ki-lô-mét, nhưng cuối cùng thì toàn thể cũng đến được tại Văn Xá vào lúc đêm sập tối. Vào lúc gà gáy, đoàn tòng vong lại khởi hành từ Văn Xá, ngày 6 tháng 7, đến hơn 10 giờ sáng, đoàn xa giá đến hành cung Quảng Trị” (Những người bạn cố đô Huế, tập 28, NXB Thuận Hóa, 2016, tr.440-441).

Với vốn hiểu biết ít ỏi về vùng đất mình đang sống, tôi thấy lập luận trên có cơ sở hơn cả và như vậy vua Hàm Nghi cùng đoàn ở lại làng tôi gần trọn ngày 5/7/1885, nghỉ đêm ở Văn Xá, quê ngoại của vua Minh Mạng, nơi người dân có điều kiện đón tiếp vua hơn và chỉ cách Trường Thi chưa đầy 5 cây số.

Tại vị không lâu song hình ảnh, khí phách vua Hàm Nghi sống mãi trong lòng mọi người, vượt không gian thời gian, là biểu tượng cho khát vọng độc lập tự do.

Hà Xuân Huỳnh