Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) đang được tổ chức tại Jakarta (Indonesia). Ảnh minh họa: BQT/Dân Việt |
Tại đây, khối ASEAN phải giải quyết các thách thức đang diễn ra, bao gồm thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) và điều hướng căng thẳng giữa các cường quốc lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho biết, những chủ đề chính này nhấn mạnh vai trò quan trọng của các mục tiêu được đặt ra trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia về việc giữ cho khu vực ASEAN kiên cường và phát triển phù hợp.
Thống nhất khối khu vực, duy trì sự đáng tin cậy
Cũng trong khuôn khổ hội nghị AMM-56, chủ tịch Indonesia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất của khối khu vực, nhất là về duy trì sự đáng tin cậy.
Được biết, lần đầu tiên, AMM có sự tham gia của Timor Leste - quốc gia này vào năm 2022 đã được khối cấp tư cách quan sát viên.
Đề cập đến các cuộc thảo luận, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh rằng ASEAN có tiềm năng to lớn cho sự phát triển trong tương lai. Cụ thể, lãnh đạo các nước đã có các cuộc thảo luận hiệu quả về nền kinh tế xanh và kỹ thuật số, bao gồm cả việc hướng tới thiết lập lưới điện ASEAN.
“Chúng tôi cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP), làm cơ sở để ASEAN thu hút các đối tác bên ngoài và trao cho họ quyền lợi trong thành quả về hòa bình và thịnh vượng liên tục của khối chúng ta”, Bộ trưởng Vivian Balakrishnan nhấn mạnh.
Được biết, AOIP, một sáng kiến do Indonesia dẫn đầu, đã được các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết vào năm 2019 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, đưa ra quan điểm chung của khối về hợp tác, an ninh và thịnh vượng khu vực, cũng như nhấn mạnh về lập trường trung lập, không đứng về bất kỳ cường quốc lớn nào đang cạnh tranh để tạo ảnh hưởng trong khu vực.
Cũng trong ngày đầu của hội nghị AMM năm nay, bộ trưởng các nước cũng đã tham dự một cuộc họp chung vì một ASEAN Không có Vũ khí Hạt nhân. Vào năm 1995, các quốc gia ASEAN đã ký một hiệp ước về mục tiêu xây dựng một khu vực như vậy để giữ cho ASEAN không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác.
“Việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Đó là nền tảng để chúng tôi biến khu vực thành Trung tâm tăng trưởng”, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh chủ đề của năm chủ tịch ASEAN của Indonesia.
Khi hội nghị AMM và các cuộc họp liên quan diễn ra, theo lịch sẽ kéo dài đến ngày 14/7, các bộ trưởng của khối sẽ thảo luận về cách khu vực có thể làm việc cùng nhau để xây dựng cộng đồng ASEAN và tái khẳng định vai trò trung tâm, thống nhất của khối trong bối cảnh kiến trúc khu vực đang phát triển.
Trong đó, vai trò trung tâm của ASEAN đề cập đến việc khối nắm quyền chỉ đạo và định hình các quyết định quan trọng ảnh hưởng đến Đông Nam Á, thay vì để vận mệnh của khu vực cho các bên bên ngoài quyết định.
Theo truyền thống, một thông cáo chung được tất cả các thành viên ASEAN nhất trí sẽ được công bố sau AMM.
Kêu gọi một ASEAN “ngày càng trưởng thành”
Trong tuần này, mọi sự chú ý đều sẽ đổ dồn vào ASEAN và chủ tịch Indonesia, khi khối phải đối mặt với nhiều thách thức nội bộ và lo ngại về an ninh bên ngoài ngày càng tăng.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, điều mà Indonesia mong muốn thấy được là một ASEAN đóng vai trò trung tâm, với tư cách là người đóng góp, hoặc là đầu tàu cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Giữa vô số chủ đề sẽ được giải quyết trong những ngày tới, các nhà phân tích đã chỉ ra ít nhất 3 vấn đề cốt yếu bao gồm khủng hoảng Myanmar, tiến trình đạt được COC ở Biển Đông và mở rộng tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Hơn 2 năm kể từ khi Myanmar xảy ra vấn đề, ASEAN đã nỗ lực thúc đẩy sáng kiến hòa bình, Đồng thuận Năm điểm (5PC), kêu gọi chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đối thoại giữa các bên xung đột… Trong khi đó, các cuộc đàm phán COC vẫn kéo dài hàng thập kỷ dù chưa đạt được nhiều tiến triển.
“Có rất nhiều sự phát triển thú vị đang diễn ra trong khu vực. Tất cả đều kêu gọi một ASEAN linh hoạt hơn, một ASEAN trưởng thành hơn và có khả năng tiến lên phía trước”, Dewi Fortuna Anwa, nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN) tại Indonesia nhận định.
Theo đó, đây chính là cơ hội để Indonesia, với tư cách là chủ tịch can đảm từ bỏ và chuyển từ mô hình nắm giữ sang mô hình giải quyết vấn đề.
(Tổng hợp và lược dịch từ CNA, Straitstimes & Jakarta Post)