leftcenterrightdel
 Ngày càng nhiều người trẻ hút thuốc lá và thuốc lá điện tử (ảnh minh họa)

“Biết hại nhưng khó bỏ”

Tôi có quen một vài người bạn, từ thời sinh viên, tôi đã thấy họ lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc. Khi thấy tôi khó chịu vì mùi thuốc lá nồng nặc, họ chỉ cười rồi nói vài câu bông đùa: "Tập cho quen dần đi, ghét của nào trời trao của đó, sau này kiểu gì cũng lấy chồng nghiện thuốc lá thôi!".

Thực tế cho thấy, việc học sinh, sinh viên hút thuốc lá, thuốc lá điện tử trong môi trường học đường ngày nay không còn hiếm gặp. Đặc biệt, trong các trường đại học, cao đẳng, với những ngành học đòi hỏi sinh viên phải tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo và tư duy thì tỷ lệ sinh viên lấy thuốc lá để "tạo nguồn cảm hứng" càng cao.

Lê H. M., sinh viên năm 5, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ: “Bản thân đang học ngành học đòi hỏi phải thức đêm để làm đồ án liên tục nên rất căng thẳng và áp lực. Dù biết thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng nếu không hút thuốc lá thì sẽ rất khó để hoàn thành công việc”.

“Lúc mới bắt đầu biết hút thuốc, mình chỉ hút đôi ba điếu cho vui, đặc biệt là trong mỗi cuộc nhậu để trở nên tỉnh táo. Dần dà, mình hút nhiều hơn, đỉnh điểm có ngày lên đến 2/3 bao thuốc. Mình hút liên tục kể cả khi nhậu nhẹt, cà phê, đến lúc căng thẳng, stress cũng hút. Không có thuốc lá mình cảm thấy chân tay run rẩy, thèm thuồng đủ thứ, không tự chủ được. Nhiều lần nghĩ đến bỏ thuốc nhưng thật sự là rất khó”, N. T., sinh viên năm 4, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế cho hay.

Không chỉ riêng nam giới, những năm gần đây, chỉ cần bước vào quán cà phê, quán nhậu mà giới trẻ hay lui tới, không khó để bắt gặp hình ảnh những cô nàng “thở ra khói” với những chiếc pod hay vape (gọi chung là thuốc lá điện tử) luôn mang theo bên mình như vật bất ly thân. Thậm chí nhiều cô gái còn hút thuốc lá, phì phèo không thua kém gì nam giới. Điều đáng nói, những cô nàng này chỉ từ độ tuổi từ 16 đến 26.

Lê Thị N. H. (25 tuổi, TP. Huế) tâm sự: “Từ thời sinh viên mình đã hút thuốc lá. Lúc ấy cứ nghĩ con gái hút thuốc lá thì sẽ rất “ngầu”, mạnh mẽ, cá tính nên mình tập hút thuốc. Mình đã hút thuốc lá được 6 năm nhưng sau này đã chuyển sang hút thuốc lá điện tử. Cũng biết hút thuốc có hại nhưng bây giờ đã trở thành thói quen khó bỏ. Cùng với đó là công việc làm designer (nhà thiết kế), đòi hỏi sự sáng tạo và tập trung cao nên việc cai thuốc càng trở nên khó khăn hơn”.

Khó cũng phải bỏ

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, tác hại của thuốc lá đã được đề cập khá nhiều. Việc tuyên truyền về các tác hại, hệ lụy của thuốc lá trong môi trường học đường cũng đã được ngành giáo dục quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, việc cai, bỏ thuốc lá thành công hay không chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân.

Theo TS. BS Trần Như Minh Hằng, Trưởng phòng khám Sức khỏe Tâm thần và Điều trị tâm lý – Bệnh viện Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế, việc cai thuốc lá không dễ, nhưng không phải là không thực hiện được. Điều này đòi hỏi mỗi cá nhân phải thật sự nghiêm túc và quyết tâm. Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh tim mạch, tiêu hóa, đặc biệt nguy cơ dẫn đến ung thư cao. Ngoài ra, thuốc lá điện tử còn gây ra các chứng về rối loạn tâm thần, hoang tưởng, ảo giác… Chính vì vậy, khó bao nhiêu cũng phải bỏ.

Hiện nay, có rất nhiều cách bỏ thuốc lá được chia sẻ trên internet như: Uống nhiều nước lọc hoặc nước khoáng giúp loại bỏ nicotine nhanh hơn; nhai kẹo cao su thường xuyên để giảm cảm giác thèm thuốc; sử dụng nước súc miệng và kem đánh răng có chứa tinh chất bạc hà làm rửa trôi chất nicotine tích tụ trong khoang miệng; kèm với đó là sử dụng các thực phẩm như yến mạch, cam thảo, mật ong, sữa tươi… để đào thải nicontine. Ngoài ra, việc tập thể thao cũng giúp cơ thể trở nên khỏe khoắn, giảm thiểu cảm giác mệt mỏi, run rẩy khi cai thuốc. Và cách tốt nhất là “NÓI KHÔNG VỚI THUỐC LÁ”.

Bài, ảnh: HOÀNG CHÂU