leftcenterrightdel
Học sinh tham quan các điểm di tích lịch sử 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có môn học mới là giáo dục địa phương bên cạnh môn lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, hoạt động trải nghiệm. Môn giáo dục địa phương, bao gồm các nội dung về ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, mỹ thuật… của địa phương được đưa vào kế hoạch giáo dục với 35 tiết/35 tuần. Đây là hình thức dạy học giàu sáng tạo, sinh động, trực quan, hấp dẫn, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến của quê hương cho học sinh.

Khi dạy về lịch sử địa phương, các trường thường tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm tại các di tích để có cái nhìn thực tế. Nhiều trường tổ chức cho học sinh tham quan di tích, chiêm ngưỡng kỷ vật, nghe thuyết minh, kể chuyện lịch sử, tự tay làm hoa giấy Thanh Tiên… Học sinh rất hứng thú khi học thực tế ở các di tích này vì “trăm nghe không bằng một thấy”. Cô Đào Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hải (Phú Vang) cho biết: Chúng tôi tổ chức trải nghiệm cho học sinh đọc sách trong không gian văn hóa Huế. Các em vừa khám phá vẻ đẹp cảnh quan, môi trường cũng như các giá trị văn hóa biểu hiện trên dấu tích của thơ ca, trò chơi dân gian… Các em có cơ hội vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn hằng ngày.

 Xu hướng của nhiều gia đình là muốn quan tâm nuôi dưỡng tình yêu di sản cho con từ nhỏ. Chị Nguyễn Thị Ánh, một phụ huynh có con học tiểu học ở thành phố Huế chia sẻ, dù bận rộn với công việc nhưng mình luôn thu xếp thời gian đưa hai con đi tham quan các di tích lịch sử văn hóa, tạo cơ hội cho con được ra ngoài tiếp xúc với môi trường xung quanh, giúp con mạnh dạn, tự tin hơn. Qua những hình ảnh, những câu chuyện mà các con được tiếp xúc từ nhỏ, sẽ kích thích trí tò mò, khơi gợi mong muốn tìm hiểu, khám phá về di sản văn hóa khi các con lớn hơn.

Theo các chuyên gia về di sản, qua những trải nghiệm từ thực tế, các em tiếp thu nhiều điều bổ ích, nâng cao tinh thần tập thể, nề nếp, kỷ luật, biết quan sát thế giới xung quanh, có hiểu biết cơ bản về giá trị di tích, di sản văn hóa, rèn luyện nhiều kỹ năng... Bằng việc gợi mở vấn đề, đặt câu hỏi, tạo cho các em cơ hội tự khám phá, tự trải nghiệm. Thế nên, vai trò của giáo viên, đặc biệt là những người làm công tác quản lý di tích, các hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm rất quan trọng. Họ không những phải nghiên cứu di sản để tìm ra khía cạnh phù hợp với trải nghiệm của từng lứa tuổi học sinh, mà còn phải luôn trau dồi và tự làm mới cách truyền đạt, giới thiệu, làm mới chính những câu chuyện kể để dẫn dắt, gợi cảm hứng tìm hiểu cho học sinh.

Sau nhiều năm tổ chức hình thức dạy học gắn với di sản, học sinh hào hứng, ủng hộ. Tuy nhiên, để dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh thì cần phải đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học. Và thực hiện hoạt động ngoại khóa chính là cách để đa dạng hóa điều đó.

Bài, ảnh: An Nhiên