leftcenterrightdel
 Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua phiên tòa giả định thu hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên và đoàn viên, thanh niên
 

Ứng dụng công nghệ để tuyên truyền

Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) TX. Hương Thủy được xem là đơn vị có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền PBGDPL. Nhận thấy gần đây số vụ việc liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhất là tranh chấp về hợp đồng đặt cọc do Tòa án cùng cấp thụ lý tăng nhanh, với tính chất ngày càng phức tạp, đơn vị đã đề xuất tuyên truyền chuyên đề “Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất” kết hợp với các vấn đề pháp luật liên quan đến nhiều mối quan hệ xã hội, tại xã Thủy Thanh - một địa phương đang “nóng” về vấn đề đất đai.

Theo lãnh đạo Viện KSND thị xã, nguyên nhân chủ yếu của tranh chấp là đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân trong lĩnh vực đất đai để gây án. Tại buổi tuyên truyền, thông qua những vụ án thực tiễn tại địa bàn, báo cáo viên của đơn vị lồng ghép, giải đáp những vướng mắc, chỉ ra vấn đề cần lưu ý khi tiến hành ký kết và thực hiện các hợp đồng đặt cọc, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân. Đồng thời, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng các clip minh họa, giúp cho buổi tuyên truyền trở nên sinh động và thu hút, người nghe dễ hiểu và dễ nắm bắt. Qua đó, giúp người dân nhận diện, cảnh giác với các thủ đoạn của các đối tượng phạm tội trên lĩnh vực này.

Với cách làm trên, Viện KSND TX. Hương Thủy đã xây dựng nhiều chuyên đề sát với thực tiễn pháp luật tại địa phương để tiến hành phổ biến tới học sinh, thanh niên và người dân trên địa bàn bằng nhiều cách làm hay và hình thức phong phú, góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức và bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình. Có thể kể đến các chuyên đề tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống ma túy, an toàn giao thông, bạo lực học đường…

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thanh Sơn, thời gian qua, các cấp, các ngành chú trọng tham mưu, tư vấn công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản đầy đủ, kịp thời, giúp cho công tác này được triển khai rộng khắp, nhất là sự chủ động, kịp thời đổi mới, phù hợp với tình hình thực tiễn. Các ngành như Công an, Bộ đội biên phòng, Thanh niên, Phụ nữ và các tổ chức chính trị - xã hội đã chú trọng đầu tư, tăng cường ứng dụng CNTT và khai thác tốt lợi thế của mạng xã hội để phục vụ cho công tác tuyên truyền, PBGDPL. Đây là hướng đi đúng, phù hợp với công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Đồng thời, quan tâm triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bao phủ hầu hết đến các nhóm đối tượng. Bên cạnh nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, công tác PBGDPL tập trung đến đối tượng là học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên.

Góp phần tạo đồng thuận xã hội

Theo đánh giá của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, về nguồn nhân lực, hiện nay toàn tỉnh có 109 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 192 báo cáo viên cấp huyện và 1.647 báo cáo viên cấp xã; hàng năm đều được Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh thường xuyên củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Nguồn kinh phí cho công tác PBGDPL cũng được chú trọng bố trí năm sau cao hơn năm trước. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm việc xã hội hóa, huy động nguồn nhân lực, vật lực từ xã hội, doanh nghiệp, cá nhân để tăng cường cho nhiệm vụ nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, tôn vinh “Tinh thần thượng tôn pháp luật”.

Có thể nói, công tác PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, triển khai nề nếp, hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; đảm bảo quyền được thông tin về pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Qua đó, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Thời gian tới, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục chú trọng thông tin, phổ biến các chủ trương, quan điểm, chính sách lớn trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Gắn công tác PBGDPL với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, vấn đề “nóng” cần định hướng dư luận xã hội, thông tin về các chính sách trong các dự thảo luật trong quá trình soạn thảo để tạo đồng thuận xã hội.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH