leftcenterrightdel
 Một tiết học cho học sinh khuyết tật ở Trường THPT Hai Bà Trưng

Trên thực tế, giáo dục hòa nhập không chỉ mang lại kết quả học tập tốt hơn cho học sinh khuyết tật mà còn cho các em học sinh bình thường khác, giúp các em nhận ra được giá trị cuộc sống, thúc đẩy sự khoan dung, gắn kết và yêu thương. Môi trường giáo dục có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện cho học sinh, đặc biệt là các em học sinh khuyết tật. Môi trường giáo dục nhân ái, thân thiện sẽ là nguồn động viên giúp các em ổn định tinh thần, khuyến khích các em phát huy được tiềm năng bản thân.

Các em học sinh khuyết tật vốn rất nhạy cảm, những thiếu sót trong cách thức giáo dục hay quan hệ với thầy cô, bạn bè không tốt cũng dễ nảy sinh những chấn thương tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các em. Cho nên, thầy cô giáo giảng dạy và các bạn học cùng chung lớp có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các em học sinh khuyết tật học hòa nhập. Cô giáo Đoàn Thị Như Ý, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Chu Văn An, qua trao đổi với các giáo viên có dạy học sinh khuyết tật kết luận rằng: “Khả năng tiếp thu kiến thức của các em yếu, giao tiếp hạn chế, nhiều em thiếu khả năng kiểm soát bản thân, không làm chủ được cảm xúc, dễ bị kích động...”.

Dạy học sinh bình thường đã khó, dạy các em học sinh có khiếm khuyết sao cho vừa hòa nhập được với cộng đồng vừa giúp các em phát triển, quả thật không dễ dàng. Cô giáo Phạm Thị Mỹ Hạnh, giáo viên Trường THCS Chu Văn An nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập tâm sự rằng: “Thương các em nên giáo viên chủ nhiệm luôn trăn trở, dành cho các em sự quan tâm giúp đỡ, gần gũi chia sẻ và thương yêu các em nhiều hơn, luôn tạo cho các em môi trường học tập hòa đồng để các em không còn cảm thấy mình bị khiếm khuyết, tự ti”.

Học sinh khuyết tật được sắp xếp học chung lớp với các học sinh phát triển bình thường nên khi giảng dạy, giáo viên thường phải sử dụng linh hoạt các phương pháp sao cho phù hợp với cả hai đối tượng học sinh. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần quan tâm những biểu hiện về hành vi, thái độ, khả năng nhận thức của các em học sinh khuyết tật để có cách giáo dục và đánh giá kết quả học tập phù hợp. Những học sinh khuyết tật về vận động, thị lực, thính lực… thường hay tự ti về bản thân, ngại tiếp xúc với thầy cô, bạn bè. Các em thường rất khó chịu vì thấy bản thân mình khiếm khuyết một phần trên cơ thể nên giáo viên phải thật tận tâm, kiên trì, ân cần, tình cảm, thể hiện sự yêu thương, gần gũi, động viên, để giúp các em vừa tiếp nhận được kiến thức vừa tham gia các hoạt động của lớp, tự tin hòa nhập với các bạn học sinh khác.

Việc động viên, khen ngợi khi các em trả lời được câu hỏi, tiếp thu bài tốt… cũng góp phần giúp các em cảm thấy thích thú khi tham gia vào các hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều nhà trường còn tổ chức đa dạng hóa các loại hình học tập và sinh hoạt tập thể cho học sinh khuyết tật để giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng như: đôi bạn cùng tiến, cùng bạn đến trường, hát cho nhau nghe, trao học bổng cho học sinh khuyết tật vượt khó...

Giáo viên chủ nhiệm cần xây dựng lớp học đoàn kết, nhân ái, thân thiện, biết yêu thương và giúp đỡ bạn đồng thời thường xuyên liên lạc với cha mẹ hoặc người giám hộ để nắm bắt sự thay đổi trong tâm tư, tình cảm, thái độ và hành vi của các em để có giải pháp giáo dục kịp thời. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cần phối, kết hợp với các giáo viên bộ môn và các đoàn thể trong nhà trường để kịp thời giúp đỡ học sinh khuyết tật, luôn quan tâm giúp đỡ các em trong suốt quá trình học tập.

Dạy các em học sinh khuyết tật cần nhất cái tâm của người thầy, hãy yêu thương các em bằng cả trái tim, giúp các em cảm nhận được sự ấm áp của tình yêu để có thêm sức mạnh vượt lên chính mình, không chùn bước trước những khó khăn thử thách, sống lạc quan và có ý nghĩa.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoa Phượng