Phải đến lúc thay đổi. Phải đến lúc cổ súy cho lịch sử Việt Nam. Phải đến lúc mỹ nghệ Việt thoát ly sự “văn hóa ngoại lai” trong tư duy, trong thể hiện. Ông nghĩ vậy.

Ý tưởng quá hay nên khi nêu ra lập tức nhận được sự cộng hưởng của nhiều người. Một hội thảo quy mô tầm quốc gia với sự tham gia của rất nhiều nhân vật có tiếng tăm trong giới mỹ thuật, giới trí thức, và các nhà quản lý… đã diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh. Quá phấn khởi, quá xúc động, ông đã tiên phong “nói đi đôi với làm”; chọn tranh, thuê họa sĩ, thuê nghệ nhân khảm ngay một số bức xà cừ thuần Việt và đóng gói từ Huế mang tới hội thảo.
Hội thảo đã gây được tiếng vang tốt, được dư luận quan tâm theo dõi và tạo sự đồng cảm lớn trong các đại biểu. Mổ xẻ, phân tích, đề xuất, giải pháp… được rất nhiều đại biểu hào hứng trải ra tại diễn đàn khiến ông rưng rưng xúc cảm suốt nhiều ngày sau đó…
Nhưng rồi… Sau hội thảo là khoảng trống lặng yên. Tất cả dường như cứ lùi dần, lùi dần vào thinh không. Ông sốt ruột, ray rứt, nhưng chỉ có mỗi ông- một cánh én sao làm được mùa xuân?
-Đôi lúc tôi cảm thấy buồn và cô đơn ghê gớm. Chẳng lẽ cứ mãi chấp nhận “văn hóa ngoại lai”? Chẳng lẽ cứ hội thảo xong là xem như rồi việc? Chẳng lẽ…
Tâm sự của ông mãi ám ảnh tôi suốt quãng đường về. “Chẳng lẽ… chẳng lẽ…”, những câu hỏi như những khoảng trống chông chênh ngóng mong được lấp đầy…
Hiền An