Kiểm tra phát ban trên người một bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm y tế Quảng Điền |
Sở yêu cầu các đơn vị y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm; Rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em hiệu quả. Các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ thuốc men, hóa chất, đáp ứng công tác điều trị bệnh tay chân miệng. Thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời; có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Sở cũng đề nghị thành lập các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch nhằm kịp thời giải quyết các vướng mắc; khi dịch xảy ra cần tập trung cao độ các biện pháp phòng, chống; không để dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền lan rộng, kéo dài.
Hiện trên địa bàn tỉnh, TCM và SXH là hai dịch bệnh truyền nhiễm đang lưu hành và có số ca mắc hàng năm cao nhất.
Tính đến ngày 31/7, toàn tỉnh ghi nhận 154 trường hợp mắc SXH (giảm 335 ca so với cùng kỳ năm 2022), không có trường hợp tử vong. Trong tháng 7, có 36 trường hợp mắc mắc SXH, tập trung chủ yếu tại huyện Nam Đông, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc.
Có 12 trường hợp mắc bệnh TCM (giảm 55 ca so với cùng kỳ năm 2022), không có trường hợp tử vong. Dịch bệnh TCM có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Tính riêng trong tháng 7/2023, có 9 trường hợp mắc bệnh này, tập trung chủ yếu ở TP. Huế.
Hiện nay đang bắt đầu vào mùa cao điểm của dịch bệnh, điều kiện thời tiết mưa, nắng xen kẽ; gia tăng giao lưu, đi lại của người dân… dự báo trong thời gian đến dịch SXH, TCM sẽ còn tăng cao, đặc biệt là trong những tháng cuối năm.