leftcenterrightdel
Một công trình nguyên là công sở đang ở chế độ “nghỉ” trên trục giao thông vàng của TP. Huế 

Theo ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (được VOV dẫn nguồn) thì nguyên nhân chưa kêu gọi được nhà đầu tư là do vướng cơ chế. Cụ thể ở đây là cơ chế tài sản công và cơ chế Luật Đất đai. Cơ chế tài sản công là nhà đầu tư nào mua phải trả tiền một lần. Cơ chế Luật Đất đai thì có thể trả tiền hàng năm. Ông Phương cho biết thêm, tỉnh đã kiến nghị lên các bộ liên quan, nhưng đến nay chưa gỡ vướng được về cơ chế.

Cơ chế là cơ chế chung. Có lẽ không phải chỉ riêng Thừa Thiên Huế mà còn nhiều tỉnh, thành khác cũng vướng ở chỗ này. Tài sản này là của Thừa Thiên Huế quản lý, nhưng nói rộng ra cũng là một nguồn lực của quốc gia. Ở đây chúng ta thấy rất rõ cơ chế đã trói buộc cách làm. Không sửa cơ chế thì sự lãng phí còn kéo dài.

Theo quy hoạch, những nơi này sẽ chuyển đổi công năng sử dụng - từ công sở sang thương mại, dịch vụ. Hai mục đích này rất khác nhau, cho nên có những đòi hỏi về điều kiện khác nhau. Nếu làm thương mại thì không còn cách nào khác là các công sở này phải đập bỏ. Đã là cái thứ bỏ đi, nhưng theo cơ chế tài sản công là phải bán đấu giá. Rõ ràng nếu định giá thì những tài sản công này vẫn còn một giá trị nhất định. Tréo ngoe ở đây là không, hoặc rất ít nhà đầu tư nào chịu mua cái thứ không phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Nếu mua rồi đập bỏ đi thì nó đội thêm chi phí. Sửa cơ chế này có lẽ không phải là điều quá khó. Nếu chúng ta đặt mục tiêu khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả thì có thể cho phép tỉnh định giá với một mức rất thấp, thậm chí là “không đồng”, đập bỏ đi để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Một tài sản không sinh ra lợi thì có cũng như không. Đã vậy, nó kéo theo một nguồn lực khác là đất đai không được khai thác.

Nếu soát xét lại nhiều tỉnh, thành vướng ở chỗ này thì các bộ chức năng liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng tìm cách tháo gỡ. Sửa như thế nào cho hợp lý là việc của các bộ, nhưng điều cần nhất là phải làm khẩn trương. Không chỉ riêng Thừa Thiên Huế mà có thể có nhiều tỉnh, thành khác cũng cần gỡ vướng điều này. Riêng với Thừa Thiên Huế, Trung ương đã cho một cơ chế đặc thù, trong đó có việc được hưởng một phần nếu bán được tài sản công gắn liền với đất. Điều này cũng quan trọng, vì có thể Thừa Thiên Huế sẽ có thêm một nguồn tiền để đầu tư phát triển. Hơn nữa, Huế là thành phố du lịch không thể để những miếng đất vàng nằm yên bất động. Tuy nhiên, dù vậy thì nguồn này vẫn chỉ thu được một lần, điều quan trọng nhất là một nguồn lực đất đai, mà toàn là đất vàng được khai thác hiệu quả. Chúng ta hình dung, giả sử có một số khách sạn nào đó, có một số trung tâm thương mại nào đó mọc lên thì nó sẽ giải quyết được cho bao nhiêu lao động, tạo ra bao nhiêu giá trị kinh tế, đóng góp được cho bao nhiêu nguồn thu ngân sách. Điều này mới là cái thứ cần cho lâu dài.

Bài: Nguyên Lê - Ảnh: Bảo Phước