Giao thông phát triển đô thị về hướng Đông. Ảnh: L. Tuấn |
Làn sóng “sốt” đất ào tới đã mang đến cho người môi giới (quen gọi là cò) thu nhập cứ ngỡ trong mơ, còn nhà đầu tư có giấc mơ đổi đời. Nhưng khi “sốt đất” đi qua để lại bao chuyện xót xa, cay đắng…
Thời hoàng kim của "cò” đất
Mới đây ra Phong Điền, một trong những địa phương mà giá đất từng tăng chóng mặt. Qua giới thiệu của người quen, chúng tôi gặp và tiếp chuyện với chị S., một trong những người môi giới đất “mát tay” ở địa bàn này.
Trong quán cà phê nhỏ tại ngã tư An Lỗ (Phong An, Phong Điền) mà chúng tôi được đồng nghiệp giới thiệu là “cà phê bất động sản” vì tập trung nhiều “cò” đất trong thời điểm sốt đất, câu chuyện của chị S. phần nào cho thấy bức tranh mua bán đất “nóng” rồi “lạnh” thời gian qua ngỡ như trên phim ảnh.
“Thời kỳ BĐS sôi động, tôi có thu nhập trong mơ. Lúc giá đất “lên đỉnh”, có tháng thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng” - chị S. bắt đầu câu chuyện.
Những vùng đất ờ quê xa dân cư cũng từng được “cò đất” quan tâm trao đổi mua bán rộn ràng |
Đó là khoảng năm 2017, khi giá đất bắt đầu có dấu hiệu tăng. Từ một cán bộ ăn lương Nhà nước, chị S. kiêm thêm công việc môi giới BĐS - công việc mà chị S. không ngần ngại nhận mình làm nghề “cò” đất với ý nghĩ để cải thiện thêm cuộc sống gia đình. Có kiến thức và bản tính năng động, chị S. không mất nhiều thời gian để bắt nhịp với công việc mà chúng tôi cho rằng là “người dẫn mối”, “người làm cầu nối” của khách có nhu cầu mua đất tại địa phương ở vùng núi hay biển.
Thời điểm đó đất ngày một tăng và chị S. cũng ngày càng giàu lên. Theo chị S., mỗi lần giao dịch thành công, chị nhận được 1-1,5 % tổng giá trị lô đất (từ chủ mua hoặc chủ bán). Nếu lô đất có giá trị 1 tỷ đồng, “cò” kiếm 10-15 triệu đồng. Trong thời điểm sốt đất có ngày chị S. mô giới 2-3 lô, có lô giá lên đến 5-7 tỷ đồng. Có tháng chị S. đã bỏ túi lên hàng trăm triệu đồng.
Khoảng đầu quý 3/2022, thu nhập hàng tháng từ nghề “cò” đất về con số 0” - chị S. trầm ngâm nhớ lại thời điểm thị trường nhà đất “đóng băng”.
Anh L.V. H, từng là nghệ nhân làm vườn, cây kiểng ở vùng khu 3, huyện Phú Lộc. Hơn 4 năm trước anh H. bén duyên với nghề môi giới BĐS nên từ bỏ nghề cây kiểng. Bây giờ anh H. lại quay về với nghề cũ của mình mà theo anh ăn ít nhưng bền.
Anh H. cho biết, hiện tỷ lệ giao dịch chưa đến 10% so với 1-2 năm trước. Chủ yếu là các chủ đầu tư gửi bán để cắt lỗ, chấp nhận lỗ từ 20-30% so với giá thị trường. Dù đã chịu lỗ nhưng tỷ lệ giao dịch thành công cũng rất ít.
Để duy trì, anh H. chủ yếu rao bán trên online cũng như nhận làm hồ sơ pháp lý cho khách hàng, thu nhập chỉ đủ để trang trải xăng xe hàng ngày.
Càng ôm, càng khổ
Hiện nay ở Thừa Thiên Huế, từ nông thôn đến thành thị, đi bất cứ đâu không khó để thấy những tấm bảng rao bán đất. Thế nhưng khác với những năm trước, người mua, người bán thường tập trung trao đổi ở các quán cà phê thì bây giờ đã vắng lặng. Ngay cả các phòng công chứng ở TP. Huế, hiện nay tỷ lệ đến công chứng trao đổi mua bán đất đai cũng vắng.
Cách đây gần 2 năm, một Văn phòng giao dịch BĐS tại phường Xuân Phú, TP. Huế do anh bạn thành lập. Thời điểm đó, mỗi ngày hơn 10 nhân viên của văn phòng này phải hoạt động hết công suất để hỗ trợ bởi khách thường xuyên vào ra tấp nập giao dịch. Thế nhưng, sự “nguội lạnh” của thị trường BĐS tràn qua, văn phòng của anh bạn cũng bị ảnh hưởng nặng nề, khách hàng vắng teo, phải đóng cửa.
Anh bạn ngậm ngùi chia sẻ, thời đỉnh điểm của cơn “sốt đất”, mỗi ngày đơn vị anh có thể nhận giao dịch mua bán từ 2-3 mối ở trên địa bàn. Ngoài ra chưa kể các mối ở tỉnh bạn, như ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị…
Từ giữa 2022 đến nay, mọi công việc của chúng tôi đã "đứng hình". Không có giao dịch, không còn cách nào khác, nhân viên dần dần phải nghỉ chuyển nghề khác để kiếm sống” - bạn trải lòng.
Chị Phan Thùy Tr. (An Cựu, TP. Huế) cho biết, khi thời điểm “sốt đất”, thấy ai cũng tham gia buôn bán BĐS, đi chợ thậm chí bà bán rau cũng bàn tán về giá trị của từng lô đất, lợi nhuận khi “lướt sóng” thành công đất vườn, đất.
Để thử vận may, chị Tr. cũng gom gần 1 tỷ đồng để mua hơn 1 sào đất nông nghiệp tại xã Vinh Hưng, Phú Lộc với ý định “lướt sóng” kiếm lời.
Tuy nhiên, khi hồ sơ mới sang tên chưa ráo mực thì cũng là lúc thị trường chững lại. Dù đã rao bán nhiều lần nhưng chẳng có ai hỏi mua, chị Tr. đành ngậm ngùi ôm chờ cơ hội khi thị trường BĐS khôi phục.
Những trường hợp như của chị Tr. có thể thấy ở bất kỳ đâu, khi ai cũng không muốn bỏ qua cơ hội kiếm lời từ đất. Có người lấy tiền tích cóp đầu tư, cũng có người vay ngân hàng và giờ “ôm” luôn cục nợ.
Nhưng đó cũng mới chỉ là nhà đầu tư lẻ. Với những người “chơi lớn”, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi gặp và nghe những câu chuyện “ôm hận” vì BĐS.
Như trường hợp một cán bộ ở huyện P. cùng với người thân đã huy động vốn gần 20 tỷ đồng để mua đất với mục đích làm giàu nhanh khi thời điểm đất sốt. Không ngờ đất bây giờ rao bán chẳng có ai hỏi, trong khi đó mỗi tháng vị này phải “gánh” gần 100 triệu đồng tiền nợ ngân hàng vừa gốc, vừa lãi.
(Còn nữa)
Bài 2: "Gục" trên đống tài sản lớn