Qua thời gian dài tồn tại, những cây cầu cổ bắc qua sông Ngự Hà đang xuống cấp, hư hỏng |
Vừa đảm bảo chức năng giao thông, vừa bảo tồn kiến trúc những cầu vòm bắc qua sông Ngự Hà trong bối cảnh phát triển đô thị như hiện tại đang đặt ra rất nhiều thách thức.
Dòng Ngự Hà bắt đầu chảy vào Kinh thành Huế từ sông Kẻ Vạn băng qua Tây Thành Thủy Quan, chảy ra Đông Thành Thủy Quan và hòa mình vào sông Đông Ba đoạn cầu Thanh Long. Đây là trục cảnh quan, tiêu thoát nước, trục giao thông thủy chủ đạo... của khu vực Kinh thành Huế.
Chỉ tính bên trong Kinh thành Huế, hiện có 5 cây cầu bắc qua dòng “sông vua” này gồm: Đông Thành Thủy Quan, Ngự Hà, Khánh Ninh, Vĩnh Lợi và Tây Thành Thủy Quan. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, những cây cầu cổ này chính là một thành tựu về kỹ thuật - nghệ thuật xây dựng truyền thống của người Việt, nó rất hiếm và đang là di sản quý giá duy nhất còn tồn tại ở Huế.
Năm 2012, một số cây cầu cổ bắc qua sông Ngự Hà này từng được các ngành chức năng lên nhiều phương án tìm cách tháo dỡ, để giải tỏa ách tắc giao thông. Rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khi đó đã lên tiếng phải giữ nguyên trạng, bởi lẽ một khi để hình hài chiếc cầu biến dạng thì coi như triệt tiêu luôn di sản. Về sau, phương án này buộc phải dừng lại, thay vào đó bằng cách chọn phương án phân luồng giao thông phù hợp.
Từng dành thời gian nghiên cứu khá kỹ về hệ thống cầu vòm bắc qua sông Ngự Hà bên trong Kinh thành Huế, KTS. Trương Hồng Trường (Khoa Kiến trúc – Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) cho rằng, trải qua 2 thế kỷ tồn tại những cây cầu này đang hư hại về mặt cấu trúc cũng như các thành phần, chi tiết kiến trúc.
Nguyên nhân xuống cấp do sụt lún địa chất, phương tiện lưu thông quá lớn gây áp lực lên khả năng chịu đựng, sự xâm hại của thực vật, thiếu ý thức của một bộ phận người dân… Ngoài ra, một số thành phần, chi tiết kiến trúc của cầu cũng hư hỏng do ảnh hưởng của chiến tranh.
Theo KTS. Trường, việc giải quyết giao thông bắt qua hệ thống các cầu cổ ở sông Ngự Hà ngày nay là vấn đề cấp bách trong lưu thông. Một mặt lòng cầu tương đối hẹp so với độ rộng của các tuyến đường giao thông chính và chỉ đáp ứng cho các phương tiện cơ giới lưu thông tốt một chiều. “Điều này gây ra xung đột, tắc nghẽn tại các điểm cầu trong việc tham gia giao thông của người dân. Mặt khác, số lượng phương tiện giao thông dự báo ngày càng tăng lên dẫn đến sự quá tải đặt lên các cầu này”, KTS Trường nhận định.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, không chỉ chịu áp lực giao thông đô thị, những cây cầu bắc qua sông Ngự Hà còn phải “đeo” lên mình những đường ống nước, đường cáp quang, điện… Vì thế, cần phải có phương án làm sao để những cây cầu cổ không bị xuống cấp mà còn giữ được yếu tố truyền thống, hài hòa với không gian. Ngoài ra, cần nghiên cứu phục hồi 2 cây cầu khác bắc qua sông Ngự Hà đã từng bị biến mất trước đó.
Bàn về giải pháp bảo tồn, KTS. Trương Hồng Trường cho rằng, cần có đánh giá thực trạng chi tiết các cầu vòm để phân loại mức độ xuống cấp và tìm hướng bảo tồn phù hợp. Phân loại các yếu tố, nguyên nhân tác động đến kiến trúc và kết cấu cầu. Ngoài ra, thu thập các dữ liệu, cứ liệu lịch sử từ các nguồn khác nhau để đối sánh, lựa chọn giải pháp bảo tồn phù hợp nhất.
“Giải pháp bảo tồn gắn với việc giữ nguyên trạng nhất có thể các chi tiết kiến trúc gốc ban đầu. Việc sử dụng vật liệu thay thế cho quá trình phục dựng, cải tạo và sửa chữa phải được xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng, sao cho giống với các vật liệu gốc ban đầu”, KTS. Trường đưa ra ý kiến. Ngoài ra theo KTS này, quá trình cải tạo, chỉnh trang cần nghiên cứu phương pháp thi công truyền thống một cách cẩn trọng và tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa.