leftcenterrightdel
 

Trong khu vườn của gia đình tôi có rất nhiều loài cây ăn trái được ông bà nội trồng như: na, mít, bưởi, hồng xiêm, vải, đu đủ, chuối… Thế nhưng, đáng nói hơn cả là 6 cây nhãn mà ông tôi mua giống ở tận Hưng Yên - quê hương của giống nhãn lồng nổi tiếng. Nội tôi kể, những cây nhãn ông trồng trong vườn được chiết từ cành của một cây nhãn cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Vì vậy, khi mang trồng nó nhanh ra quả hơn so với việc ươm cây giống bằng hạt. Vì là giống nhãn ngon, cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt thanh mát đậm đà, nên mấy chục năm qua từ những cây nhãn trong vườn nhà, ông nội tôi, rồi tới những năm sau này là bố tôi, đã chiết cành nhân giống cho biết bao gia đình khác quanh vùng để họ trồng giống nhãn quý này.

Tôi sinh ra thì những cây nhãn trong vườn nhà đã cao lớn và tỏa bóng mát sum suê. Tuổi thơ tôi gắn liền với khu vườn cùng những cây nhãn mùa quả chín có vô vàn kỷ niệm ngọt ngào, đáng nhớ. Đáng nhớ nhất vẫn là những khoảnh khắc bố tôi bắc thang trèo lên cây bẻ từng chùm nhãn chín, quả sai lúc lỉu. Lúc này, ở dưới gốc cây mấy anh chị em chúng tôi, và đôi khi có cả mấy đứa trẻ hàng xóm cùng trang lứa với tôi cũng sang “ngóng” nhãn, rồi đợi những quả rơi rụng để nhặt ăn. Cho dù nhãn thu được chủ yếu để bán lấy tiền, thế nhưng kiểu gì thì ông bà, bố mẹ tôi cũng cho con cháu, lũ trẻ trong xóm ăn thỏa thích một bữa. Hơn thế nữa, ông bà, bố mẹ tôi cũng không bao giờ quên biếu các gia đình hàng xóm mỗi nhà vài ba chùm nhãn ăn lấy thảo, cho vui…

Có một điều mà tôi vẫn luôn nhớ, đó là mùa nhãn nào cũng vậy, trước khi thu hoạch nhãn thì bao giờ ông nội tôi cũng lựa chọn một số chùm nhãn sai quả nhất, to đẹp nhất, xếp gọn gàng vào chiếc đĩa to, sau đó đặt lên ban thờ dâng cúng ông bà tổ tiên, để cầu chúc cho mọi thành viên gia đình tôi có nhiều sức khỏe, mùa màng tốt tươi và đặc biệt là những cây nhãn mùa sau lại sai quả, được mùa để gia đình thêm đủ đầy, no ấm…

Ngày xưa, kinh tế của gia đình tôi cũng như hết thảy các hộ dân ở quê đều còn khó khăn, thiếu thốn đủ phần nên hễ cứ chuẩn bị tới mùa nhãn chín tới là không chỉ mấy anh chị em chúng tôi mong đợi, ngóng chờ để được ăn nhãn no nê, thỏa thích. Còn ông bà, bố mẹ tôi cũng luôn đợi mùa thu hoạch nhãn để hái mang bán lấy tiền đong gạo, mua sắm các vật dụng sinh hoạt trong nhà. Ngay cả tiền đóng học phí, rồi tiền mua sách bút, quần áo mới, cùng nhiều thứ đồ dùng học tập của mấy anh chị em chúng tôi cũng “lấy” từ những cây nhãn mà ra, bởi hầu như năm nào khi thu bán vụ nhãn xong là cũng chuẩn bị tới mùa tựu trường. Cho nên, dù có chi tiêu thế nào thì ông bà, bố mẹ tôi cũng luôn dành một khoản tiền nhất định từ bán nhãn để lo cho mấy anh chị em chúng tôi đủ đầy, tươm tất trước khi bước vào năm học mới.

Năm tháng qua đi, mấy anh chị em chúng tôi lớn khôn và đều ra thành phố học tập. Xa khu vườn tuổi thơ nhiều năm nhưng bao giờ khi mùa nhãn chín tới tôi cũng tranh thủ trở về thăm nhà để phụ giúp bố mẹ thu hái nhãn bán. Ông nội tôi đã trở thành người thiên cổ từ hơn chục năm nay, và mỗi mùa nhãn tới tôi vẫn luôn nhớ, biết ơn và thầm cảm ơn ông, bởi nhờ có những cây nhãn ông trồng khi xưa mà gia đình tôi đã đỡ phần túng thiếu một thời…

Trịnh Viết Hiệp