Học sinh trong giờ học tiếng Anh tại Trung tâm LS Academy. Ảnh: Bảo Phước |
Ở Trường trung học cơ sở (THCS) Huỳnh Đình Túc (TP. Huế), giáo viên thường cho học sinh đến các điểm di tích giao lưu với khách du lịch, trau dồi ngoại ngữ. Các em hứng thú khi nâng cao khả năng tiếng Anh cũng như có thêm cơ hội tìm hiểu về các nền văn hóa từ các quốc gia. Từ đó, học sinh quen dần với ngữ điệu, cách sử dụng từ ngữ của người bản xứ nhằm nâng cao khả năng nghe – nói, giúp các em tự tin hơn. Đây là chương trình ký kết giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong việc tổ chức cho học sinh đến các điểm di tích tham quan và thực hành giao tiếp tiếng Anh với khách nước ngoài.
Vấn đề hợp tác quốc tế trong trường học cũng được mở rộng. Học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu tham gia trại hè quốc tế tại Thái Lan; Trường tiểu học Thuận Thành và THCS Duy Tân đón các nghiên cứu sinh từ Trường đại học Denver, Hoa Kỳ về dự giờ. Ngoài ra, có khá nhiều cuộc thi nhằm xây dựng môi trường học ngoại ngữ cho học sinh, như thi Hùng biện tiếng Anh cho học sinh THCS; giao lưu Olympic cho học sinh cấp tiểu học môn tiếng Anh; tổ chức các sân chơi tiếng Anh trên Internet như Olympic tiếng Anh (IOE) do các trung tâm ngoại ngữ tổ chức.
Cô giáo Lê Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường tiểu học (TH) Phú Hòa, TP. Huế cho biết: Nhà trường liên kết với Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Sunrise tổ chức dạy thí điểm theo định hướng chuẩn đầu ra A1 trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh. Trường phối hợp với Trường đại học Ngoại ngữ phát triển câu lạc bộ nói tiếng Anh toàn trường vào giờ ra chơi; giao lưu môn ngoại ngữ trong tiết chào cờ, sinh hoạt theo chủ đề phù hợp với học sinh.
Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn ngoại ngữ được đào tạo đúng chuyên ngành với 345 người, đáp ứng được yêu cầu tiêu chí khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (B2). Cụ thể, có 154/172 (88,9%) giáo viên tiếng Anh đạt trình độ chuẩn B2, 15/172 (8,7%) giáo viên tiếng Anh đạt trình độ trên chuẩn C1. Đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết và cống hiến với nghề nên chất lượng giảng dạy đạt kết quả tốt.
Giai đoạn 2018-2022, các trường TH, THCS trên địa bàn TP. Huế đã được đầu tư với tổng kinh phí hơn 12,2 tỷ đồng. Giáo viên ngoại ngữ các trường có điều kiện sử dụng, khai thác thiết bị dạy học trong quá trình dạy học để minh họa cho bài giảng, như: tranh ảnh, bài giảng điện tử, các học liệu điện tử, các phương tiện nghe nhìn… góp phần nâng cao chất lượng học ngoại ngữ.
Nhưng điều đáng lo là, cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy học ngoại ngữ vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học ngoại ngữ. Vẫn còn nhiều trường chưa có phòng học ngoại ngữ đạt chuẩn, có phòng Lab nhưng đã cũ và hư hỏng không sử dụng được. Chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ chưa đồng đều, một bộ phận giáo viên vẫn còn hạn chế nhất định về kỹ năng và phương pháp giảng dạy, chưa tạo được hứng thú cho học sinh. Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, khen thưởng học sinh tham gia thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Ông Nguyễn Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế cho biết: Phòng đã đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng các phòng học ngoại ngữ đạt chuẩn, trang cấp các thiết bị phục vụ dạy học ngoại ngữ cho các đơn vị trường học; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài kết nối với các trường để tăng cường cơ hội giao lưu ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh các trường. Có giải pháp và cơ chế hỗ trợ, khen thưởng để động viên, khuyến khích giáo viên và học sinh thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.