leftcenterrightdel
 Lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS chụp ảnh lưu niệm tại một hội nghị thượng đỉnh của nhóm. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong khi 23 quốc gia đã chính thức bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối, các quan chức cho biết, có tổng cộng 40 quốc gia đang cân nhắc tìm kiếm tư cách thành viên BRICS.

Tuy nhiên, đây không phải là một quyết định đơn giản, vì cần có sự ủng hộ nhất trí giữa tất cả các quốc gia thành viên hiện có của nhóm này, trước khi bất kỳ quốc gia nào trong số đó có thể được chính thức kết nạp.

Được biết, nhóm này chiếm khoảng một phần tư tài sản của thế giới, đã được bắt đầu từ  năm 2001 với tên gọi BRIC, từ viết tắt của 4 nền kinh tế phát triển nhanh nhất là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Sau đó, Nam Phi, quốc gia chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh năm nay đã chính thức trở thành thành viên của nhóm này vào cuối năm 2010, và BRIC được viết lại thành BRICS. Đây cũng là quốc gia duy nhất ngoài 4 quốc gia nói trên tham gia nhóm cho đến nay.

Tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm BRICS kéo dài trong 3 ngày, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, cùng với sự tham dự trực tuyến của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng cộng có 34 nhà lãnh đạo từ châu Phi và Nam bán cầu sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS trong những ngày tới, với các sáng kiến nhằm xây dựng quan hệ đối tác giữa khối này và các nền kinh tế mới nổi khác.

Đáng chú ý, tư cách thành viên trong nhóm này sẽ giúp các quốc gia có sự tiếp cận lớn hơn với thị trường của các quốc gia thành viên khác, đây cũng là một nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Kể từ khi gia nhập nhóm BRICS, xuất khẩu của Nam Phi sang Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, khiến quốc gia châu Á này trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi. Bên cạnh đó, Ấn Độ là nhà nhập khẩu lớn thứ 8 của Nam Phi hồi năm ngoái.

Nhóm BRICS hiện đang đại diện cho hơn 40% dân số toàn cầu, và các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên hiện tại nhận thấy giá trị quan trọng trong việc kết nạp thêm các nền kinh tế đang phát triển.

Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Kỹ thuật số Nam Phi Mondli Gungubela cho biết: “Càng nhiều quốc gia đang phát triển cùng nhau hợp tác và giải quyết những bất bình đẳng một cách tập thể, trong đó luôn đồng hành với các quốc gia đang phát triển, thì sẽ càng tốt”.

THANH NGÂN (Lược dịch từ Channel News Asia)