Một điểm tập kết cát vừa được khai thác ở Thừa Thiên Huế |
Có cảm giác như hễ cứ đụng đến tài nguyên, chẳng hạn như cát, đất san nền, đá xây dựng… là có chuyện lợi dụng để thu lợi bất chính. Doanh nghiệp được phép khai thác không lợi dụng kiểu này thì cũng lợi dụng kiểu khác, như khai thác quá khối lượng, quá diện tích cho phép; lượng cát bán ra có một phần không xuất hóa đơn… Mặc dù giá đã niêm yết, nhưng khi khan hiếm thì nâng giá theo các kiểu không minh bạch. Còn chuyện vận chuyển thì rất nhiều vấn đề nữa. Bây giờ việc giám sát tải trọng xe được thực hiện chặt chẽ hơn, chứ trước đây chuyện chở quá tải là chuyện bình thường. Xe cứ ùn ùn chạy làm hư hỏng đường sá, khả năng gây mất an toàn giao thông là rất cao. Không ít trường hợp người dân bằng các cách khác nhau chặn đường không cho xe đi, chặn sông không cho khai thác cát vì sợ sụt lở đất, mất vườn… làm phát sinh những vấn đề xã hội.
Cách đây mấy tháng là ở Quảng Nam cũng có những biến động về nguồn cung cát và giá cát tương tự khi nhiều mỏ cát tạm thời đóng khai thác để phục vụ cho công tác điều tra, kiểm tra. Và nhiều sai phạm của việc khai thác cát cũng được chỉ ra. Qua công tác điều tra một số doanh nghiệp khai thác cát, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam chỉ ra rằng: “Công tác quản lý khai thác cát, sỏi của các địa phương và cơ quan chức năng vô cùng lỏng lẻo, gây thất thoát khoáng sản rất lớn. Chính quyền có cả bộ máy và hệ thống giám sát nhưng thực tế gần như không giám sát được”. Những tình trạng sai phạm tương tự trong công tác khai thác tài nguyên, nếu không nói là phổ biến thì nó cũng là số nhiều xảy ra ở nhiều địa phương.
Nay thì tình trạng khai thác cát lậu đã ít đi rất nhiều. Bản chất của nó không phải sự vụ lợi tài nguyên quốc gia, sự tham lam của nhiều người mất đi mà vì nhiều địa phương đã hết nguồn cát, hoặc là nguồn cát đã khan hiếm.
Vụ khan hiếm cát ở đồng bằng sông Cửu Long ngay tức thì sau khi vụ án khai thác cát lậu ở An Giang bị khởi tố cho thấy, vai trò của cát lậu với thị trường, cụ thể là giá cả. Cát lậu đã tham gia một phần rất lớn vào nguồn cung. Nếu không chiếm một “thị phần” lớn thì nó đã không “chi phối” lên giá cả thị trường mạnh mẽ như vậy. Bao nhiêu tài nguyên của đất nước mất đi, nguồn lợi rơi vào tay tư nhân có lẽ chúng ta không thể thống kê được. Bởi thống kê là ai, là ngành chức năng. Ở cấp tỉnh có lẽ là Sở Tài nguyên & Môi trường; ở Trung ương là bộ với tên gọi tương tự. Ngành này không quản lý tốt được tài nguyên thì làm sao có con số thống kê chính xác được. Nhưng chắc chắn đó là con số không hề nhỏ!?
Dù muốn dù không thì chúng ta phải công nhận một thực tế, các doanh nghiệp khai thác cát (hoặc các tài nguyên khác) cũng không thể một mình “tự tin” đi như sáng trăng được, mà có thể (khả năng này xảy ra rất cao) là sự tiếp tay của những người có vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý Nhà nước. Không phải là vô cớ để Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đưa ra nhận định: “Chính quyền có cả bộ máy và hệ thống giám sát nhưng thực tế gần như không giám sát được”. Không phải là vô cớ để Giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh An Giang bị khởi tố… Chính quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Những người có vai trò trong bộ máy chính quyền mà lơ là trong công tác quản lý thì tài nguyên đã mất, huống hồ là bắt tay để cho dòng chảy tài nguyên lậu chảy được trơn tru!? Rõ ràng, phải cần tìm ra được một cơ chế: giám sát của giám sát, giám sát chéo, giám sát thường xuyên, liên tục để kiểm soát được quyền lực ở đây mới mong tài nguyên của quốc gia đỡ bị bòn rút.
Nguồn cát lậu (tài nguyên lậu nói chung) ngoài làm mất tài nguyên đất nước, làm hư hỏng một số cán bộ, làm giàu bất chính cho một số người; trong một số trường hợp trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra sạt lở; làm phát sinh các vấn đề xã hội… thì nó còn làm cho thị trường méo mó. Quá nhiều vấn đề từ những chữ “tài nguyên lậu”.