Người dân xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ tại tỉnh Sindh, Pakistan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, báo cáo về những chỉ số chính cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 được công bố ngày 24/8 cho biết, có khoảng 155,2 triệu người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển, tương đương 3,9% dân số của khu vực này đã sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực trong năm ngoái. Con số này cao hơn 67,8 triệu người so với trường hợp không xuất hiện đại dịch và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng. Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park cho rằng: “Châu Á - Thái Bình Dương đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng đang cản trở tiến trình xóa đói giảm nghèo”.

“Bằng cách tăng cường các mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo, thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo, tạo ra những cơ hội tăng trưởng và việc làm, các Chính phủ trong khu vực có thể trở lại đúng hướng”, ông Albert Park nói thêm. Theo đó, người nghèo bị tổn thương nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng, bởi vì họ ít có khả năng hơn trong việc chi trả những mức giá cao hơn đối với các nhu yếu phẩm, chẳng hạn như thực phẩm và nhiên liệu.

Sự gia tăng của giá cả các loại hàng hóa và dịch vụ cơ bản khiến nhiều người nghèo không thể tiết kiệm tiền, cũng như chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe, hoặc đầu tư vào giáo dục và các cơ hội khác có thể cải thiện tình trạng của họ trong dài hạn. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng có thể bị ảnh hưởng một cách không cân xứng, vì họ có xu hướng kiếm được ít tiền hơn so với nam giới. Vào năm 2021, ADB ước tính rằng, đại dịch đã đẩy thêm 75 - 80 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực, so với các dự báo trước đại dịch.

Các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tiếp tục đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tuy nhiên, đến năm 2030, ước tính khoảng 30,3% dân số của khu vực này, tương đương khoảng 1,26 tỷ người vẫn sẽ được xem là dễ bị tổn thương về kinh tế.

Nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng, các Chính phủ ở châu Á - Thái Bình Dương có thể tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội, tăng cường sự hỗ trợ đối với phát triển nông nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ tài chính, đồng thời ưu tiên những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo về công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, báo cáo của ADB lưu ý.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Adb.org)