Khách trong nước đến Huế tham quan các di tích

Nhiều vấn đề đặt ra

Trở lại Huế sau 10 năm, du khách Trương Thành Nam (Cần Thơ) đánh giá Huế vẫn là điểm đến hấp dẫn. Nhưng ở mặt hạn chế, anh Nam cho rằng, trải qua thời gian dài, cảm nhận của anh và hầu hết du khách là du lịch Huế đang quá phụ thuộc vào di sản, thiếu sản phẩm du lịch độc đáo và mới lạ.

Anh Nam dẫn chứng: “Tôi ở Huế 5 ngày để khám phá sự thay đổi của Huế, từ vùng cao xuống biển, đầm phá. Điều dễ nhận ra là ẩm thực Huế ngon, nhưng không có chợ ẩm thực như một số nước Đông Nam Á. Các bãi biển đẹp, nhưng cơ sở hạ tầng lưu trú vẫn còn thiếu. Du lịch đầm phá chưa khai thác được những sản phẩm hấp dẫn. Đặc biệt, Huế vẫn còn thiếu các khu vui chơi giải trí xứng tầm, các điểm vui chơi về đêm có thể hấp dẫn du khách”.

Không thể phủ nhận đà phục hồi của du lịch Huế sau đại dịch COVID-19. Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh chỉ ra trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Huế ước đạt gần 1,9 triệu lượt, tăng hơn 76,26% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách lưu trú ước đạt gần 979.000 lượt, tăng 60,7% so với cùng kỳ. Khách đến Huế có tăng, nhưng thời gian lưu trú ở Huế lại giảm so với 10 năm trước. Nếu như khoảng 10 năm trước, bình quân thời gian lưu trú của khách khoảng 2 ngày thì hiện nay, con số này chỉ đạt gần 1,8 ngày. Tỷ lệ khách lưu trú khi đến Huế thời gian gần đây vẫn chưa thực sự cao.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch trăn trở: “Ngành du lịch tỉnh nhà đang rất nỗ lực, nhưng bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở, tìm giải pháp để thúc đẩy phát triển. Quan trọng là làm sao tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để hút khách; đội ngũ nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp hơn; quảng bá du lịch phải tốt hơn, cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn”.

Trên thực tế, tiềm năng du lịch của Thừa Thiên Huế rất lớn. Ngoài hệ thống các di tích, Huế còn giàu tiềm năng về du lịch biển đầm phá, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch chăm sóc sức khỏe… Theo đánh giá của nhiều du khách, Huế có khá đầy đủ những tiềm năng du lịch của nhiều địa phương khác, nhưng dường như đang “lạc lối” vì quá nhiều tài nguyên du lịch, dẫn đến thiếu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, hoặc làm chưa đến nơi đến chốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Thay đổi để phát triển

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến vấn đề thay đổi tư duy làm du lịch. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành du lịch cần thay đổi tư duy, có cách làm sáng tạo, chuyển từ cung cấp cái mình có sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch “một mùa” sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách...

Vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra là giải pháp cho du lịch Việt Nam và rõ ràng rất phù hợp trong bối cảnh du lịch Huế đang nỗ lực để phát triển. Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, xứng tầm trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực gắn với phát huy giá trị đô thị di sản trên nền tảng văn hóa, theo hướng xanh và thông minh. Nhưng để làm được điều đó, cần sự thay đổi rất lớn về tư duy, cách làm du lịch.

Để tạo ra sức cạnh tranh cho du lịch tỉnh nhà, Thừa Thiên Huế cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Vừa chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn. Đa dạng hóa các phân khúc, vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao.

Du lịch phải hướng đến yêu cầu của du khách. Điều này đòi hỏi ngành du lịch và các đơn vị liên quan cần thường xuyên khảo sát, đánh giá nhu cầu của khách để có những điều chỉnh phù hợp. Phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại và phải linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết thúc đẩy du lịch các địa phương cũng rất quan trọng. Tỉnh và các địa phương trong tỉnh cần tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, truyền thông hình ảnh, sản phẩm du lịch địa phương; hỗ trợ kết nối và quảng bá cho doanh nghiệp du lịch tỉnh xây dựng các sản phẩm mới, đặc biệt là du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch tâm linh để bổ trợ thêm cho du lịch di sản…

Bài, ảnh: HỮU PHÚC