ClockThứ Năm, 07/09/2023 04:46

Thay đổi tư duy làm du lịch

TTH - Thừa Thiên Huế chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn nhưng để đạt được hiệu quả, ngành du lịch và các đơn vị liên quan cần thay đổi tư duy, có cách làm sáng tạo, chuyển từ cung cấp cái mình có sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách cần.

Thay đổi tư duy, cách làm trong du lịch

 Khách trong nước đến Huế tham quan các di tích

Nhiều vấn đề đặt ra

Trở lại Huế sau 10 năm, du khách Trương Thành Nam (Cần Thơ) đánh giá Huế vẫn là điểm đến hấp dẫn. Nhưng ở mặt hạn chế, anh Nam cho rằng, trải qua thời gian dài, cảm nhận của anh và hầu hết du khách là du lịch Huế đang quá phụ thuộc vào di sản, thiếu sản phẩm du lịch độc đáo và mới lạ.

Anh Nam dẫn chứng: “Tôi ở Huế 5 ngày để khám phá sự thay đổi của Huế, từ vùng cao xuống biển, đầm phá. Điều dễ nhận ra là ẩm thực Huế ngon, nhưng không có chợ ẩm thực như một số nước Đông Nam Á. Các bãi biển đẹp, nhưng cơ sở hạ tầng lưu trú vẫn còn thiếu. Du lịch đầm phá chưa khai thác được những sản phẩm hấp dẫn. Đặc biệt, Huế vẫn còn thiếu các khu vui chơi giải trí xứng tầm, các điểm vui chơi về đêm có thể hấp dẫn du khách”.

Không thể phủ nhận đà phục hồi của du lịch Huế sau đại dịch COVID-19. Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh chỉ ra trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Huế ước đạt gần 1,9 triệu lượt, tăng hơn 76,26% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách lưu trú ước đạt gần 979.000 lượt, tăng 60,7% so với cùng kỳ. Khách đến Huế có tăng, nhưng thời gian lưu trú ở Huế lại giảm so với 10 năm trước. Nếu như khoảng 10 năm trước, bình quân thời gian lưu trú của khách khoảng 2 ngày thì hiện nay, con số này chỉ đạt gần 1,8 ngày. Tỷ lệ khách lưu trú khi đến Huế thời gian gần đây vẫn chưa thực sự cao.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch trăn trở: “Ngành du lịch tỉnh nhà đang rất nỗ lực, nhưng bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở, tìm giải pháp để thúc đẩy phát triển. Quan trọng là làm sao tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để hút khách; đội ngũ nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp hơn; quảng bá du lịch phải tốt hơn, cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn”.

Trên thực tế, tiềm năng du lịch của Thừa Thiên Huế rất lớn. Ngoài hệ thống các di tích, Huế còn giàu tiềm năng về du lịch biển đầm phá, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch chăm sóc sức khỏe… Theo đánh giá của nhiều du khách, Huế có khá đầy đủ những tiềm năng du lịch của nhiều địa phương khác, nhưng dường như đang “lạc lối” vì quá nhiều tài nguyên du lịch, dẫn đến thiếu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, hoặc làm chưa đến nơi đến chốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Thay đổi để phát triển

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến vấn đề thay đổi tư duy làm du lịch. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành du lịch cần thay đổi tư duy, có cách làm sáng tạo, chuyển từ cung cấp cái mình có sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch “một mùa” sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách...

Vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra là giải pháp cho du lịch Việt Nam và rõ ràng rất phù hợp trong bối cảnh du lịch Huế đang nỗ lực để phát triển. Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, xứng tầm trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực gắn với phát huy giá trị đô thị di sản trên nền tảng văn hóa, theo hướng xanh và thông minh. Nhưng để làm được điều đó, cần sự thay đổi rất lớn về tư duy, cách làm du lịch.

Để tạo ra sức cạnh tranh cho du lịch tỉnh nhà, Thừa Thiên Huế cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Vừa chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn. Đa dạng hóa các phân khúc, vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao.

Du lịch phải hướng đến yêu cầu của du khách. Điều này đòi hỏi ngành du lịch và các đơn vị liên quan cần thường xuyên khảo sát, đánh giá nhu cầu của khách để có những điều chỉnh phù hợp. Phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại và phải linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết thúc đẩy du lịch các địa phương cũng rất quan trọng. Tỉnh và các địa phương trong tỉnh cần tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, truyền thông hình ảnh, sản phẩm du lịch địa phương; hỗ trợ kết nối và quảng bá cho doanh nghiệp du lịch tỉnh xây dựng các sản phẩm mới, đặc biệt là du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch tâm linh để bổ trợ thêm cho du lịch di sản…

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
LL
Lonnd - 07/09/2023 13:33
Tôi là người Huế xa quê, luôn ngóng theo sự thay đổi hàng ngày của Quê hương. Chiến lượt phát triển ngành du lịch thì chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý đã đưa ra và chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên đến thành phần làm du lịch cuối cùng là chưa đạt. Đối tượng mà tôi muốn nói đến là giới xích lô, xe thồ và người bán hàng nhỏ lẻ. Nạn chèo kéo, chặt chém vẫn còn, khi không chèo kéo được thì trở thái độ rất phản cảm. Mong các tổ chức, nghiệp đoàn thường xuyên sinh hoạt để họ có cái nhìn lâu dài, bền vững cho tương lai....

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô

Huế sở hữu những con đường xanh và nhiều “công viên xanh”. Điều này khiến du khách gần xa mỗi khi đến Huế điều có cảm giác thư thái, dễ chịu, tận hưởng không gian xanh mát giữa lòng thành phố, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng oi bức.

Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô
Huế tạo bức tranh lớn về du lịch

Tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách quốc tế cũng như sự ghi nhận của báo chí và những tổ chức du lịch uy tín hàng đầu thế giới, mở ra cơ hội để Huế tạo được một bức tranh lớn về du lịch. Du lịch Huế 2024 và những năm tiếp theo sẽ là những gam màu sáng.

Huế tạo bức tranh lớn về du lịch
Thông tin doanh nghiệp:
Du lịch Đài Bắc cực đơn giản, thú vị cùng Traveloka

Du lịch Đài Bắc là từ khóa được đông đảo du khách tìm kiếm trong thời gian gần đây. Cùng theo dõi bài viết du lịch Đài Bắc cực đơn giản, thú vị cùng Traveloka. Chắc chắn sẽ cung cấp đến bạn nhiều thông tin hữu ích.

Du lịch Đài Bắc cực đơn giản, thú vị cùng Traveloka
Điểm đến Hương Bình

Với sự quan tâm của tỉnh và thị xã, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, xã Hương Bình (Hương Trà) đang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Điểm đến Hương Bình
“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch

TIN MỚI

Return to top