Các container hàng hóa tại một cảng biển ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN |
Theo BNP Paribas, nhiều đợt thắt chặt tiền tệ đang dần làm giảm nhu cầu, trong khi một số bước đệm hỗ trợ hoạt động thị trường, chẳng hạn như các khoản tiết kiệm dư thừa được tích lũy trong đại dịch COVID-19 và kích thích tài chính đang mờ dần.
“Chúng tôi dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, sự trì trệ ở Khu vực đồng euro (Eurozone), sự phục hồi yếu tại nền kinh tế Trung Quốc, và tăng trưởng ảm đạm ở các thị trường mới nổi”, báo cáo nói trên cho hay.
Đối với nền kinh tế Mỹ, báo cáo dự kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm khoảng nửa điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2024.
Trong cùng thời gian đó, BNP Paribas dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ trì trệ, do hoạt động yếu hơn trong lĩnh vực dịch vụ và triển vọng sản xuất vốn đã yếu.
“Sự cải thiện gần đây về niềm tin của người tiêu dùng có khả năng được xuất phát từ những lợi ích liên quan đến năng lượng trong thương mại, đây là điều đáng khích lệ, và bằng cách hỗ trợ tiêu dùng, sẽ ngăn chặn được một cuộc suy thoái kinh tế”, báo cáo nói thêm.
Đối với nền kinh tế Trung Quốc, Ngân hàng và Công ty dịch vụ tài chính này cho hay, gói kích thích gần đây dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong quý IV năm 2023, nhưng sự phục hồi dường như “sẽ vẫn ở mức thấp” và khiến tăng trưởng tổng thể yếu hơn trong năm tới.
Trong số các nền kinh tế tiên tiến, BNP Paribas cho biết, Nhật Bản là một “ngoại lệ” khi sự phục hồi kinh tế sau đại dịch diễn ra cùng với quan điểm tài chính kích thích. Bên cạnh đó, đồng yen yếu hơn cũng sẽ bảo vệ xuất khẩu khỏi tình trạng suy thoái toàn cầu đang diễn ra.
Cũng trong báo cáo nói trên, BNP Paribas dự báo áp lực lạm phát đối với hàng hóa ở Mỹ và Khu vực đồng euro sẽ tiếp tục chậm lại trong thời gian còn lại của năm 2023 và thời gian sau đó.
Về phía cung, các nhà sản xuất hàng hóa hiện được hưởng giá đầu vào thấp hơn so với một năm trước, khi các chuỗi cung ứng phục hồi sau sự gián đoạn do đại dịch gây ra. Đồng thời, nhu cầu thị trường yếu hơn đồng nghĩa rằng, các nhà sản xuất không thể tăng giá hàng hóa.
Lạm phát trong lĩnh vực nhà ở cũng đã giảm, do sự nhạy cảm của lĩnh vực này với lãi suất. Tuy nhiên, lạm phát dịch vụ phi nhà ở hầu như không thay đổi tại Mỹ, và vẫn đang tăng cao hơn ở Khu vực đồng euro và Vương quốc Anh, với dự báo tốc độ chậm lại sẽ chỉ được ghi nhận vào năm 2024.